|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng 3 kịch bản lạm phát

21:30 | 23/01/2024
Chia sẻ
Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

 

Chiều 23/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định năm 2024 còn nhiều thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4-4,5%. Do vậy, công tác điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, theo Báo Chính phủ.

Các cơ quan tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá (sửa đổi).

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%. Những kịch bản này được xây dựng dựa trêncơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu; tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024.

Trình bày báo cáo của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2023 biến động tăng vào đầu năm sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung.

Nguyên nhân chủ yếu do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm khiến lạm phát chung giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Đồng thời, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như "Nhà ở thuê", "Ăn uống ngoài gia đình".

Nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2023 được Bộ Tài chính chỉ ra là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024, tác động làm CPI chung tăng 0,46%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.

H.Mĩ