|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank: Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

17:56 | 01/10/2021
Chia sẻ
Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Dân số bắt đầu già hóa vào năm 2015 và dự báo tới năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già. Người Việt đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già”.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã công bố báo cáo về xu hướng già hóa dân số của Việt Nam với tiêu đề "Việt Nam: Thích ứng với Xã hội Già hóa".

Báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam là một quốc gia trẻ đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh và ở giai đoạn có mức phát triển thấp hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Cánh cửa cơ hội dần đóng lại khi dân số già đi 

Với tình trạng tỷ lệ sinh giảm đi và tuổi thọ tăng lên, từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia có dân số đang già đi và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già từ năm 2035, do vậy Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đối mặt viễn cảnh 'chưa giàu đã già', dự báo tăng 1,4 - 4,6% GDP chi bổ sung - Ảnh 1.

Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng. (Ảnh minh họa: Người lao động).

Đáng chú ý, Việt Nam chứng kiến sự chuyển đổi này ở giai đoạn phát triển kinh tế sớm hơn và ở mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với các quốc gia khác.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 40% mức trung bình toàn cầu và cần phải đi một quãng đường dài mới bắt kịp được các quốc gia phát triển khác trong khu vực và để đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035. 

Tốc độ già hóa dân số nhanh cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít thời gian để điều chỉnh các chính sách cho thích hợp với tình trạng già hóa dân số hơn so với những nền kinh tế phát triển trước đây.

Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ dân số trẻ (độ tuổi trung bình là 26 và nhóm tuổi đông nhất là 20-34 tuổi) nhưng "cửa sổ cơ hội" nhân khẩu này đang bắt đầu đóng lại khi già hóa dân số tăng tốc. 

World Bank: Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới - Ảnh 2.

Nguồn: Tác giả, dựa trên số liệu của UN và Tổng cục Thống kê.

Quá trình già hóa dân số đã bắt đầu ngay từ bây giờ và được dự kiến sẽ tăng tốc. Số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đạt 6,31 triệu người (6,7% dân số) tính đến năm 2014 và theo kịch bản mức sinh trung bình dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người, cao hơn gấp ba lần so với năm 2014 và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số.

Tỷ lệ người già phụ thuộc được dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 0,11 vào năm 2019 lên 0,22 vào năm 2039, trong khi tỉ lệ người trẻ phụ thuộc được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi xuống trong vòng 50 năm qua.

Người Việt đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già"

Theo World Bank, lợi tức dân số được ước tính đóng góp khoảng một phần ba cho sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam trong giai đoạn 1985-2018. Tuy nhiên, dân số trong độ tuổi lao động Việt Nam đạt mức đỉnh tương đối sớm so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước dẫn đến tình trạng "Già đi trước khi trở nên giàu có".

World Bank: Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới - Ảnh 3.

Nguồn: Số liệu báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới IMF và số liệu ước tính dựa theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới của Liên hợp quốc: 2015 (kịch bản mức sinh trung bình). Chú thích: Số thể hiện ở đầu mỗi cột là năm tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) đạt mức đỉnh/dự kiến sẽ đạt mức đỉnh.

Nếu không có cải thiện, tăng trưởng dài hạn được dự báo sẽ chậm lại. Tốc độ tăng trưởng dài hạn sẽ giảm đi 0,9 điểm % trong giai đoạn 2020-2050 so với 15 năm qua, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tình trạng già hóa dân số cũng có thể gây thêm áp lực tài khóa.  Khi dân số đến độ tuổi nghỉ hưu ngày càng đông và không còn kiếm được thu nhập nữa, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, xã hội già hóa cũng đặt ra nhu cầu lớn hơn đối với các hệ thống chăm sóc y tế và hưu trí của nhà nước (và tư nhân).

Ước tính dựa trên mô hình Phân tích bền vững tài khóa (FSA) cho thấy xã hội già hóa của Việt Nam, cùng những chương trình của chính phủ để kiểm soát tình trạng này, sẽ đòi hỏi chi bổ sung 1,4% - 4,6% GDP, tùy từng kịch bản.

Sự mất cân đối giữa các nhu cầu tài chính có thể dẫn đến thâm hụt và nợ, kéo theo áp lực đối với lãi suất, tình trạng này có thể làm giảm vốn đầu tư trong và ngoài nước vốn rất quan trọng và đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chẳng hạn như bẫy thu nhập trung bình. Theo đó, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh sẽ trải qua một giai đoạn dài tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người gần như chững lại. 

Theo báo cáo, tăng năng suất lao động là biện pháp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng cao trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng. 

Một số công cụ có thể kể đến như việc dịch chuyển lao động liên ngành từ nông nghiệp sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất định hướng xuất khẩu và dịch vụ. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng lao động qua giáo dục, đào tạo; thay đổi lối sống lành mạnh kéo dài khả năng làm việc; mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội;...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như tác động của già hóa dân số, Chính phủ cần làm ngay những gì có thể để kích cầu nền kinh tế mà không làm trầm trọng thêm tài khóa và nợ công trong dài hạn.

Báo cáo của World Bank cho rằng với những chính sách đúng đắn, Việt Nam vẫn có thể giảm thiểu, thậm chí đảo ngược tác động của việc già hoá dân số để phát triển  kinh tế và xã hội trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học này.

Phương Trang