|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ILO: Khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể không có lương hưu vào năm 2030

10:26 | 03/07/2021
Chia sẻ
Xu hướng dân số già hóa ở các quốc gia Đông Nam Á đang ngày một gia tăng với tốc độ còn nhanh hơn cả sự phát triển kinh tế của các quốc gia này. Như vậy, các khoản trợ cấp cho nhóm người cao tuổi sẽ dần trở thành gánh nặng của các chính phủ.

Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên Hợp Quốc, trong 9 năm tới, khu vực Đông Nam Á sẽ có hơn 109 triệu người ở độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm hơn 15% tổng dân số của khu vực này.

Con số này sẽ tăng lên hơn 176 triệu người vào năm 2050, chiếm hơn 22% tổng dân số khu vực. Tỷ lệ sinh giảm chính là một trong những yếu tố góp phần gia tăng xu hướng này, đồng thời tỷ lệ dân số cao tuổi của từng quốc gia cũng được dự báo sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai.

Bruenei và Singapore là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và có thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các nước Đông Nam Á. Cả hai đều được đánh giá có kết quả tích cực từ những nỗ lực đảm bảo phúc lợi xã hội cho người cao tuổi.

Khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể không có lương hưu vào năm 2030 - Ảnh 1.

Tỷ lệ dân số già đang ngày một tăng cao tại các quốc gia Đông Nam Á. (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, 8 quốc gia thành viên khác bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines thì lại đang phải đối mặt với vấn đề tốc độ già hóa diễn ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Hầu hết các nước Đông Nam Á đều có các quỹ hưu trí hoặc quỹ trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, mức chi trả của các quỹ này thường khá thấp và không phải ai cũng đủ điều kiện để nhận hỗ trợ của nhà nước.

Trong khu vực, chỉ có khoảng 1/3 số người từ 60 tuổi trở lên được nhận lương hưu thường xuyên hoặc một lần, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào hồi năm ngoái.

Đối với những quốc gia đang phát triển trong khu vực, mức trợ cấp tiền mặt tối thiểu hàng tháng trong nhiều trường hợp thấp hơn cả mức lương tối thiểu.

Ví dụ như tại Việt Nam, những người trên 60 tuổi thường được hưởng trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu hàng tháng của quốc gia là 4,42 triệu đồng. Còn ở Thái Lan, trợ cấp hàng tháng cho người trên 60 tuổi trở lên là từ 600 baht/tháng (18,9 USD), chỉ bằng 1/10 mức lương tối thiểu tại nước này.

Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019, ILO cảnh báo rằng, sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ tiến hành mở rộng các chương trình, chính sách phù hợp như mở rộng thu thuế.

ILO kiến nghị Việt Nam nên thiết kế một hệ thống hưu trí đa bậc nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho người về hưu thông qua lương hưu được hỗ trợ thuế, bảo hiểm xã hội bắt buộc và lương hưu bổ sung.

Tổ chức này cũng chỉ ra rằng, nhiều lao động phi chính thức ở Việt Nam, chiếm khoảng 3/4 số người lao động, không được hưởng lương hưu và hầu như tất cả những lao động này đều không được tiếp cận với các quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể không có lương hưu vào năm 2030 - Ảnh 2.

Dự báo tỷ trọng nhóm người cao tuổi tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2050. (Nguồn: Dự báo Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc 2019).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nói chung sống lâu hơn nam giới trung bình từ 6 - 8 năm. Nhiều phụ nữ thường có xu hướng dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc con cái, gia đình hơn vì vậy số năm làm việc của phụ nữ thường ít hơn so với nam giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đóng góp của họ vào hệ thống lương hưu quốc gia nói chung thấp hơn so với nam giới. 

Những người già có ít hoặc không có con sẽ phải tự trang trải cuộc sống nếu không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của nhà nước.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù nhiều quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á vẫn có dân số lao động lớn, với hơn 73% người từ 15 - 64 tuổi đang tham gia lực lượng lao động, nhưng quy mô gia đình ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong những năm 1950, phụ nữ ở các nước Đông Nam Á thường sinh từ 5 - 7 trẻ em. Ngày nay, con số này là từ 1 - 3 trẻ em, do khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội kinh tế của phụ nữ đã phát triển hơn.

Bussarawan Puk Teerawichitchainan, Phó giáo sư nghiên cứu về các vấn đề dân số và gia đình ở Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các chính phủ trong khu vực cần có kế hoạch tốt hơn để hỗ trợ người cao tuổi trong giai đoạn cấu trúc gia đình ở những quốc gia này đang bị thu hẹp.

Bởi theo truyền thống ở nhiều quốc gia châu Á, người ta thường quan niệm rằng con cái sẽ phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Ngay cả những quốc gia giàu có, chẳng hạn như Nhật Bản, Singapore hoặc Hàn Quốc, những quốc gia được hỗ trợ xã hội tốt hơn, vẫn quan niệm "gia đình là nơi nương tựa tuổi già".

Điều này có nghĩa là một số người cao tuổi có thể không có con cái để nương tựa khi họ bước vào tuổi xế chiều.

Khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể không có lương hưu vào năm 2030 - Ảnh 3.

Quy mô gia đình ngày càng bị thu hẹp khi tỷ lệ sinh giảm. (Ảnh: EPA-EFE).

Bussarawan Puk Teerawichitchainan cho biết, các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á có thể học hỏi những chính sách hỗ trợ phúc lợi toàn diện ở các quốc gia như Nhật Bản, Singapore hoặc Hàn Quốc.

Tại Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ dân số cao tuổi cao nhất thế giới, Chính phủ nước này dự kiến sẽ thiết lập một “hệ thống chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng” trên toàn quốc vào năm 2025. Đây là nơi các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau cùng làm việc để cung cấp cho người cao tuổi một loạt các dịch vụ, chẳng hạn như điều dưỡng, hỗ trợ nhà ở và sinh kế, với chi phí được trợ cấp.

Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, các Chính phủ ở Đông Nam Á có thể không nhất thiết phải sử dụng các tiếp cận chính sách giống như các quốc gia phát triển mà có thể đưa ra các giải pháp của riêng mình, phù hợp với nền kinh tế của đất nước.

Phương Trang