|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank giảm triển vọng toàn cầu xuống 2,6% trong năm nay

15:11 | 05/06/2019
Chia sẻ
World Bank vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 với lí do đầu tư toàn cầu suy giảm và tốc độ tăng trưởng thương mại chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng tài chính một thập kỉ trước.
World Bank giảm triển vọng toàn cầu xuống 2,6% trong năm nay - Ảnh 1.

Niềm tin kinh doanh sụt giảm, thương mại toàn cầu suy yếu sâu sắc và đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển diễn ra chậm chạp. (Ảnh: Getty Images)

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (được công bố hai lần trong năm) vào hôm 4/6 vừa qua, World Bank (WB) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3% so mức dự đoán 2,9% vào tháng 1 và tụt dốc mạnh từ mức 3% của  năm ngoái. Tốc độ này sẽ tăng lên 2,7% trong năm tới.

"Niềm tin kinh doanh sụt giảm, thương mại toàn cầu suy yếu sâu sắc và đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển diễn ra chậm chạp", Chủ tịch WB David Malpass cho hay với tờ CNBC. "Động lực kinh tế vẫn còn khá yếu kém".

CNBC đưa tin, WB cũng cảnh báo rằng các rủi ro đang đi theo hướng tiêu cực, trong đó căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiễu loạn tài chính ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế của các nước tiên tiến (đặc biệt là châu Âu) suy yếu rõ rệt là những điểm mấu chốt.

WB nối gót Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hạ dự báo tăng trưởng do lo ngại rằng các động thái thương mại của Tổng thống Donald Trump sẽ làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu.

Trong lời đe dọa mới nhất, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố kế hoạch áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Mexico, bắt đầu từ tuần tới, nếu Mexico không chấm dứt dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mỹ.

Động thái áp thuế quan mới đã khiến một số nhà kinh tế hạ triển vọng và xem xét khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Vào hôm 4/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ra tín hiệu cởi mở về một đợt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết, theo đó ông Powell cũng cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của nước này.

"Chúng tôi đang quan sát chặt chẽ ý nghĩa của những diễn biến thương mại mới đối với triển vọng kinh tế Mỹ và như mọi khi, chúng tôi sẽ hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng, với việc thị trường lao động và lạm phát gần mức mục tiêu 2%", ông Powell nói.

Ông Trump cũng làm "phật lòng" các nhà đầu tư vào tháng 5 vừa qua bằng cách tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và đe dọa tiếp tục đánh thuế lên toàn bộ số hàng hóa còn lại của đất nước tỉ dân.

Quan điểm về triển vọng tăng trưởng toàn cầu của WB có thể xấu đi nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung trở nên tồi tệ hơn. Một đợt tăng thuế quan đáng kể sẽ khiến tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn chững lại hơn nữa và gây ra hiệu ứng lan tảo đến mọi thứ, từ niềm tin của nhà đầu tư đến thị trường hàng hóa, ông Ayhan Kose, nhà kinh tế của WB, cho hay.

WB cũng đã hạ dự báo cho khu vực đồng euro xuống mức 1,2% vào năm 2019 và 1,4% trong năm 2020, giảm lần lượt 0,4% và 0,1% so với dự báo hồi tháng 1/2019. WB nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu và đầu tư suy yếu chính là nguyên nhân khiến kinh tế khu vực này suy yếu.

"Điều kiện kinh tế của khu vực đồng euro đã xấu đi nhanh chóng kể từ giữa năm 2018, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất", CNBC dẫn lại báo cáo của WB.

Tuy nhiên, WB lại không thay đổi triển vọng cho nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chững lại mức 2,5% và dự kiến tiếp tục giảm xuống còn 1,7% vào năm 2020 và xuống 1,6% vào năm 2021 khi các biện pháp kích thích tài khóa giảm dần.

Nền kinh tế Trung Quốc được kì vọng sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay trước khi suy yếu xuống mức 6,1% trong năm tới, giảm 0,1% so với dự báo trước đó của WB.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.