|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

WHO phải họp khẩn cấp, bệnh đậu mùa khỉ thực sự đáng ngại đến đâu?

07:58 | 23/05/2022
Chia sẻ
Khi thế giới mới bắt đầu bước ra khỏi COVID-19 sau hai năm phong tỏa, việc một bệnh dịch khác như đậu mùa khỉ lây lan ở nhiều nước đã khiến nhiều người lo lắng. Vậy bệnh này thực sự đáng ngại đến đâu và có nguy cơ bùng phát như COVID hay không?

Da của một con khỉ sau 4 ngày bị nhiễm virus đậu mùa khỉ, nhìn dưới kính hiển vi với độ phóng đại 40 lần. (Ảnh: CDC, Reuters).

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca xác nhận nhiễm và 28 ca nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở 12 quốc gia thành viên không đặc hữu đối với đậu mùa khỉ. Trước đó vào ngày 20/5, các chuyên gia WHO đã họp trực tuyến khẩn cấp để thảo luận về căn bệnh này.

Đậu mùa khỉ do virus gây ra và thường được phát hiện ở các nước miền trung và phía tây châu Phi. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới đây đã được phát hiện ở nhiều nước châu Âu là Pháp, Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh, cùng với đó là Mỹ, Canada và Australia.

Tây Ban Nha ghi nhận 24 ca mới trong ngày 20/5, chủ yếu ở khu vực Madrid. Chính quyền của vùng này đã đóng cửa một cơ sở xông hơi có liên quan tới phần lớn ca nhiễm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đậu mùa khỉ là vấn đề "đáng quan tâm" và nếu căn bệnh này lan rộng thì sẽ có "hậu quả" đáng kể. Theo Reuters, WHO dự báo số ca phát hiện nhiễm trong những ngày tới sẽ lên cao hơn khi tổ chức này tăng cường theo dõi ở những quốc gia mà thường không xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này cũng cho biết sẽ đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị trong những ngày tới để hỗ trợ các nước khống chế sự lây lan của đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ là gì và nguy hiểm đến đâu?

Đậu mùa khỉ là một loại virus có thể gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau mỏi và tình trạng phát ban nổi cục đặc trưng. Bệnh này có liên quan tới bệnh đậu mùa nhưng thường nhẹ hơn.

Chủng đậu mùa khỉ Tây Phi được phát hiện tại Mỹ có tỷ lệ tử vong khoảng 1% và đa phần ca nhiễm hồi phục hoàn toàn trong 2-4 tuần. Ngày 20/5, một quan chức y tế Mỹ cho biết mức độ nguy hiểm của đậu mùa khỉ đối với cộng đồng là khá thấp.

Bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ có da nổi cục, lở loét. (Ảnh: CDC/Reuters).

Virus đậu mùa khỉ khó lây hơn so với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cho rằng các ổ dịch đậu mùa khỉ bùng phát do tiếp xúc trực tiếp, da chạm da, với người có triệu chứng nổi cục phát ban trên cơ thể. Cơ chế lây nhiễm này khiến cho bệnh đậu mùa khỉ dễ truy vết và kiểm soát hơn.

Trong khi đó, COVID-19 lây lan qua đường không khí và các bề mặt thường tiếp xúc ở nơi công cộng như tay nắm cửa, lan can, …

Reuters dẫn lời bác sĩ Martin Hirsch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), nhận định: “COVID lan truyền qua đường hô hấp và cực kỳ dễ lây. Đậu mùa khỉ lại là một câu chuyện khác”.

Ông David Heymann, chuyên gia của WHO, nói: “Có vẻ như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào cộng đồng dưới dạng tình dục, đang lan truyền theo đường tình dục, nhờ vậy mà bệnh đang lây nhiễm nhanh trên khắp thế giới”.

Cơ quan y tế Anh cho biết nhiều ca đậu mùa khỉ ở Anh và châu Âu là nam giới trong độ tuổi 20-40 và có xu hướng tình dục đồng tính (gay) hoặc song tính luyến ái (bisexual).

Điều gì khiến các chuyên gia y tế lo lắng?

Theo WHO, các ổ dịch đậu mùa khỉ mới đây đều mang đặc điểm không điển hình do xuất hiện ở những nước thường không có dịch. Các nhà khoa học đang cố tìm hiểu nguồn gốc của của các ca bệnh hiện nay và xem virus có biến đổi gì hay không.

Đa số ca bệnh được phát hiện cho đến nay là ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngoài ra còn một số ca được ghi nhận ở Canada, Australia và một ca duy nhất ở thành phố Boston của Mỹ.

Các quan chức WHO lo ngại số ca nhiễm sẽ tăng lên trong thời gian tới khi người dân châu Âu cũng như những nơi khác tụ tập tại các lễ hội, bữa tiệc và đi du lịch mùa hè.

Có vắc xin phòng đậu mùa khỉ không, tự bảo vệ mình như thế nào?

Vắc xin phòng bệnh đậu mùa cũng có tác dụng phòng bệnh đậu mùa khỉ. Nước Anh đã bắt đầu tiêm vắc xin đậu mùa cho những nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm đậu mùa khỉ. Chính phủ Mỹ tuyên bố có đủ vắc xin đậu mùa trong Kho Dự trữ Chiến lược (SNS) để tiêm phòng cho toàn bộ dân số.

Người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết nước này còn có một số loại thuốc chống virus chuyên dùng chữa bệnh đậu mùa nhưng cũng có thể sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ trong một số trường hợp nhất định.

Các quan chức y tế khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc với những người đang phát ban trên da hoặc có các triệu chứng bệnh khác. Những ai nghi ngờ mình bị nhiễm đậu mùa khỉ nên tự cách ly và liên hệ cơ quan y tế.

Vì sao số ca đậu mùa khỉ gần đây tăng cao?

Bà Angela Rasmussen, chuyên gia tại Tổ chức Vắc xin và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan (Canada) nhận định: “Các loại virus không có gì mới và đã được dự báo từ trước”.

Bà Rasmussen cho rằng một số nhân tố đã khiến cho số ca phát hiện nhiễm đậu mùa khỉ gần đây tăng mạnh gồm: người dân di chuyển xuyên biên giới nhiều hơn, biến đổi khí hậu khiến virus xuất hiện và lây lan rộng hơn, và thế giới chú trọng tới các đợt phòng phát dịch hơn kể từ khi COVID-19 xuất hiện.

Song Ngọc