|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

WB: Chứng khoán Việt Nam quá lớn để ở lại nhóm cận biên, cần cam kết đẩy nhanh nâng hạng, dự kiến thu hút thêm 10 tỷ USD

19:23 | 22/04/2022
Chia sẻ
Theo WB, việc nâng hạng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Ước tính khi nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỷ USD.

Ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Nhật Bắc

Việt Nam quá lớn để ở lại nhóm mới nổi, nếu nâng hạng sẽ thu hút thêm 10 tỷ USD

Trong sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay (22/4), đại diện của Ngân hàng đã có những đánh giá và khuyến nghị nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, về quy mô thị trường.

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ, đại diện WB so sánh.

Chính phủ Việt Nam nỗ lực nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Ước tính của WB, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỷ USD.

Xây dựng quy định Không nên quá chặt làm cản trở sự phát triển

Tuy vậy, theo đại diện WB, để đạt được kết quả đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả. Một số giải pháp được WB đưa ra.

Ví dụ về thể chế, Việt Nam tạo ra chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng. Giám sát hiệu quả và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa.

Về hạ tầng, thị trường cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời và đáng tin cậy, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch…. Điều đó khiến cho thị trường trở nên minh bạch hơn; và là điều kiện cần để thị trường hoạt động hiệu quả.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin. Đánh giá định mức tín nhiệm nên được thúc đẩy ở Việt Nam.

Một số khuyến nghị khác cũng được đưa ra liên quan đến bên phát hành,nhà đầu tư, tổ chức trung gian và công cụ.

Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi 

Trở lại với câu chuyện những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.

Theo WB, Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.

Lợi Hoàng