|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WB: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu ba đối tác thương mại lớn nhất tăng trưởng thấp

14:25 | 13/05/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia WB, ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Theo báo cáo của WB, xu hướng giảm số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã giúp người dân Việt Nam yên tâm hơn để quay lại với các hoạt động kinh tế và xã hội.

Vì vậy, số lượt khách đến nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm và các điểm bán lẻ, giải trí khác đã đạt mức như trước COVID-19. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng tăng, tuy chưa phục hồi hoàn toàn về các mức được ghi nhận trước đại dịch.

Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ được nâng từ 10,4% trong tháng 3 lên 12,1% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu trong nước vốn đang được củng cố lại tiếp tục mạnh mẽ hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và du khách quốc tế đã bắt đầu quay lại.

Ngoại trừ tốc độ tăng cao bất thường trong tháng 4/2021 chủ yếu do hiệu ứng cơ sở thấp thì đây là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ quay về sát với tốc độ trước đại dịch. Kết quả đáng chú ý này phản ánh cả sự tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ hàng hóa (tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước) và sự hồi phục mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng 11,0% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), gần gấp đôi so với tốc độ tăng trong tháng 3.

Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ (tăng đến 14,8% so cùng kỳ năm trước). Có khoảng 101.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4, con số cao nhất trong hai năm qua, nhưng vẫn chưa bằng 10% số lượt khách trước đại dịch.

Cũng theo các chuyên gia WB, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Sản xuất sản phẩm may mặc, giày dép, điện tử, thiết bị điện và sản phẩm kim loại là những ngành năng động nhất, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị lại tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ giảm từ 26,6% trong tháng 3 xuống chỉ còn 5,1% trong tháng 4.

Sự giảm tốc này có liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong hai tháng qua.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ 17% trong tháng 3 lên 25,2% trong tháng 4, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5%.

Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng cho biết do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nên gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Với giá dầu tăng cao, kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu các loại tăng gần 120% (so cùng kỳ năm trước) và chiếm đến 9,3% tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4, gần gấp đôi tỷ lệ cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng lưu ý, dù nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.

Các chuyên gia WB cho biết lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,4% trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4. So với một năm trước, giá xăng dầu cao hơn gần 50% và vì vậy đây tiếp tục là yếu tố đóng góp vào lạm phát lớn nhất thông qua nhóm giao thông.

Giá lương thực, thực phẩm trong tháng 4 tăng 1,1% tương đương với tỷ lệ tăng trong tháng Ba. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, cũng tăng từ 1,1% trong tháng 3 lên 1,5% trong tháng 4, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 12/2020. Giá cả gia tăng thể hiện tác động của cả yếu tố cung và yếu tố cầu.

“Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ. Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất,” chuyên gia WB lưu ý.

Cũng theo WB, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục nâng giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi đáng kể trong quý 1/2022. Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Theo chuyên gia của WB, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vì vây việc phong tỏa do COVID ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

“Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì,” chuyên gia WB khuyến cáo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.