Warren Buffett tri ân người cộng sự quá cố: 'Charlie Munger vừa là người anh, vừa là người cha đáng kính của tôi'
Trong lá thư gửi cổ đông hôm 24/2, Warren Buffett đã chia sẻ về vai trò lớn lao của người cộng sự quá cố Charlie Munger trong quá trình giúp ông mở rộng tập đoàn Berkshire Hathaway. Lá thư cũng hé mở mối quan hệ ấm áp giữa hai huyền thoại, CNBC cho hay.
“Trên thực tế, Charlie là ‘kiến trúc sư’ của Berkshire ngày nay và tôi đóng vai trò là ‘tổng thầu’ để thực hiện tầm nhìn của ông ấy từng ngày”, huyền thoại 93 tuổi viết trong lá thư.
“Charlie chưa bao giờ cố giành lấy công lao là người sáng tạo [nên Berkshire] mà thay vào đó, ông ấy nhường nhịn để tôi nhận được những lời tán thưởng của mọi người”, Buffett chia sẻ.
“Theo một cách nào đó, Charlie vừa là người anh, vừa là người cha đáng kính của tôi”, Buffett nhấn mạnh trong thư.
Munger qua đời vào tháng 11 năm ngoái, khoảng một tháng trước sinh nhật lần thứ 100 của ông. Triết lý đầu tư của Munger có sức ảnh hưởng lớn với Buffett, có công giúp Berkshire trở thành tập đoàn khổng lồ trị giá hơn 900 tỷ USD như ngày nay.
Buffett nhớ lại thời điểm bắt đầu mua lại Berkshire, khi đó là một nhà máy dệt may, và cách Munger gợi ý để ông khoác lên lớp áo mới cho công ty này.
“Năm 1965, Munger có lúc từng khuyên tôi rằng “Warren, hãy quên việc mua một công ty khác như Berkshire đi. Giờ cậu đã kiểm soát Berkshire, hãy gộp những công ty tuyệt vời có mức giá hợp lý vào Berkshire và từ bỏ việc mua những doanh nghiệp tầm tầm với mức giá hời.
Nói cách khác, hãy từ bỏ mọi bài học mà cậu rút ra từ thần tượng của mình, Ben Graham. Chúng có hiệu quả đấy, nhưng chỉ khi thực hành ở quy mô nhỏ.’ Sau vài lần trót dại, cuối cùng tôi đã làm theo lời chỉ dạy của Munger”, Buffett kể lại.
Warren Buffett từng theo học “cha đẻ” của trường phái đầu tư giá trị Benjamin Graham tại Đại học Columbia và rất thành công trong việc lựa chọn cổ phiếu giá rẻ. Ông từng rất yêu thích chiến lược đầu tư “điếu xì gà hút dở”.
Chính Charlie Munger là người khiến Buffett nhận ra rằng chiến lược nói trên cũng có giới hạn và nếu Buffett muốn mở rộng Berkshire thì áp dụng phương pháp điếu xì gà hút dở là chưa đủ.
“Nhiều năm sau, Charlie trở thành đối tác giúp tôi điều hành Berkshire và nhiều lần giúp tôi tỉnh táo trở lại khi những thói quen đầu tư cũ lăm le xuất hiện lần nữa.
Cho đến khi qua đời, Munger vẫn tiếp tục vai trò này và... giờ đây Berkshire đã lớn mạnh hơn hơn những gì Charlie và tôi từng mơ ước”, Buffett tiếp tục kể trong thư.
“Berkshire đã trở thành một doanh nghiệp tuyệt vời. Dù tôi có phụ trách đội xây dựng từ lâu thì Charlie vẫn mãi mãi là kiến trúc sư của Berkshire”, Buffett nhấn mạnh.
Gần đây, đế chế tài chính của Warren Buffett đã phá nhiều kỷ lục. Kết thúc phiên 23/2, cổ phiếu loại A của tập đoàn được giao dịch ở mức 628.422 USD/cp, tăng 16% so với đầu năm 2024.
Giá trị thị trường của Berkshire đạt hơn 900 tỷ USD và tập đoàn được dự đoán sẽ sớm lọt vào danh sách các doanh nghiệp có vốn hoá 1.000 tỷ USD.
Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đường sắt,... của Berkshire đạt 8,48 tỷ USD vào quý IV/2023 - tăng 28% so với con số 6,62 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn là 37,35 tỷ USD - tăng 17% so với mức 30,85 tỷ USD của cả năm trước.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận quý IV của Berkshire (bao gồm thu nhập từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán) đạt 37,57 tỷ USD. Tổng lợi nhuận cả năm vào khoảng 96,22 tỷ USD - tăng mạnh so với khoản lỗ 22,8 tỷ USD vào năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy Berkshire nắm lượng tiền mặt trị giá 167,6 tỷ USD tại thời điểm cuối quý IV, vượt mức kỷ lục mà tập đoàn thiết lập vào quý liền trước là 157,2 tỷ USD.