Vượt qua đại dịch, nhưng Campuchia vẫn phải đối mặt với thảm họa kinh tế
Mặc dù có hệ thống y tế nghèo nhất Đông Nam Á nhưng Campuchia đã tránh được đại dịch đang tràn ngập tại một số quốc gia phát triển.
Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, Campuchia sẽ phải đối mặt với “mối đe dọa lớn nhất” trong vòng 30 năm khi dự đoán đại dịch có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng, kéo GDP sụt giảm từ 1% đến 2,9% trong năm nay, tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Trong một đánh giá được công bố vào thứ Sáu, WB ước tính ít nhất 1,76 triệu việc làm tại nước này có nguy cơ biến mất do virus làm suy thoái ba lĩnh vực quan trọng nhất của đất nước: xuất khẩu hàng may mặc, du lịch và xây dựng.
Những ngành công nghiệp này chiếm 71% sự tăng trưởng và 20% tổng số việc làm tại quốc gia này.
Dự báo nghiệt ngã trái ngược với thành công rõ ràng của Campuchia trong việc ngăn chặn Covid-19 đã lây nhiễm hơn 6 triệu người trên toàn thế giới, giết chết gần 370.000 người.
Tính đến ngày thứ Hai, Campuchia mới chỉ ghi nhận 125 ca nhiễm - 2 ca hiện vẫn đang bị cách ly - và không có trường hợp tử vong.
Bộ Y tế nước này đã xét nghiệm cho hơn 10.000 người, hầu hết thông qua Viện Pasteur ở Phnom Penh, một trong 17 phòng thí nghiệm virus Corona của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phản ứng về sức khỏe cộng đồng của đất nước này đã được WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khen ngợi. Cả hai tổ chức, hiện đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế Campuchia, nói rằng, hiện tại không có ca lây nhiễm virus corona ở quốc gia này.
“Họ đã hoàn thành tốt công việc của mình”, đại diện quốc gia WHO, Li Ailan nói với Nikkei Asian Review, tuy nhiên, nguy cơ của làn sóng thứ hai vẫn còn và cần phải chuẩn bị nhiều hơn nữa.
“Họ vẫn còn ở giai đoạn đầu”, bà nói. “Nếu có một vụ dịch quy mô lớn, hệ thống y tế có thể bị quá tải”.
Giống như ở các quốc gia khác có tỉ lệ nhiễm bệnh thấp, có một vài câu hỏi về yếu tố nào đã giúp nước này kiểm soát được dịch bệnh - trong số đó là khí hậu của đất nước, ít phương tiện giao thông công cộng, mật độ dân tương đối thấp và sinh hoạt ở cuộc sống ngoài trời nhiều hơn - đã giúp Campuchia tránh được tình trạng bùng phát như ở châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ.
Michael Kinzer, giám đốc chương trình an ninh y tế toàn cầu Campuchia của CDC Mỹ, cho biết các yếu tố môi trường và xã hội có thể đã góp phần vào tình hình này nhưng không có “lý lẽ thực sự thuyết phục cho bất kỳ lý do nào”.
Ông cho biết, các biện pháp của chính phủ - bao gồm các hạn chế đối với khách đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, đóng cửa trường học và một số hoạt động kinh doanh, lệnh cấm tụ tập đông người và hạn chế đi lại trong kỳ nghỉ năm mới của Campuchia - đã tạo ra “tác động trực tiếp”.
Hơn 2/3 trường hợp của Campuchia là người nước ngoài. Phần còn lại là số người đã có tiếp xúc với những bệnh nhân này, tập trung vào 5 cụm dịch.
Khi một số hạn chế được nới lỏng, như dỡ bỏ lệnh cấm du khách đến từ một số quốc gia nhất định, chính quyền Campuchia phải đối mặt với một cuộc chiến tiếp tục để ngăn chặn một làn sóng khủng hoảng mới.
Chính phủ nước này phải đối mặt với những gì Ngân hàng Thế giới mô tả là một nhu cầu “cấp bách” để cung cấp gói cứu trợ kinh tế cho hàng trăm ngàn công nhân bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ của nền kinh tế.
WB dự báo tỷ lệ nghèo đói của quốc gia này sẽ tăng từ 3% đến 11% nếu các gia đình làm việc trong các ngành công nghiệp chính của Campuchia bị mất 50% thu nhập kéo dài trong 6 tháng.
Mất việc làm cũng có khả năng làm trầm trọng thêm lĩnh vực tín dụng vi mô trị giá 10 tỷ USD của Campuchia.
Số liệu gần đây không mang lại điềm lành. Hơn 237 nhà máy may mặc và giày dép - sử dụng gần 120.000 công nhân bị đình chỉ. Lượng khách quốc tế, xương sống của ngành du lịch - sử dụng hơn 600.000 công nhân của Campuchia, đã giảm một nửa trong quý đầu tiên.
Xây dựng, động lực kinh tế lớn nhất của đất nước và sử dụng 200.000 công nhân, cũng đã bị ảnh hưởng do đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, chậm lại. Nhập khẩu thép, một chỉ số của hoạt động xây dựng, giảm 47% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, gần 100.000 công nhân nhập cư trở về từ Thái Lan trước khi biên giới bị đóng cửa, làm lượng kiều hối có thể giảm mạnh, nguồn thu này đã tạo ra 2,8 tỷ USD vào năm 2019, theo số liệu của Bộ Lao động.
Chính phủ đã dành 350 triệu USD để cung cấp một số cứu trợ, bao gồm tiền mặt cho các nhóm dễ bị tổn thương và trợ cấp lương 40 USD cho công nhân may mặc và du lịch bị đình chỉ.