|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vướng giám định, án tham nhũng kéo dài

07:19 | 09/08/2019
Chia sẻ
Ngoài thời gian chậm thì chi phí giám định cũng cao, có vụ phải tốn hơn 1 tỉ đồng để chứng minh việc tham ô hơn 1 tỉ đồng.

Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự vừa làm việc với các cơ quan trung ương ngày 7-8. Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban (UB) Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn kéo dài.

Năm năm mới giám định xong một vụ

Báo cáo mà ông Pha trình bày dẫn chứng vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Agribank Việt Nam, thời gian giám định kéo dài năm năm. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu thì việc định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản chậm.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải cho rằng giám định trong lĩnh vực này đang gặp vướng. Ông dẫn chứng TP.HCM có 40 vụ án bị vướng về giám định, trong đó có ba vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và rất nhiều vụ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Các vụ này đều trưng cầu Sở Tài chính TP giám định nhưng đều vướng dẫn tới vụ án kéo dài, trong khi dư luận lại cho rằng CQĐT, cơ quan tố tụng bao che, chậm xử lý.

Ông Hải cũng cho rằng chi phí giám định trong nhiều vụ án quá cao, nhất là giám định công trình xây dựng chung cư. “Có vụ án để chứng minh hành vi tham ô số tiền hơn 1 tỉ đồng thì chi phí giám định cũng trên 1 tỉ đồng nên không thể thực hiện được. Hay có vụ trưng cầu giám định các tòa nhà chung cư, cao ốc, chi phí giám định trên 10 tỉ đồng, CQĐT không thể có kinh phí để bảo đảm cho hoạt động này” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cùng một vụ việc nhưng kết quả giám định khác nhau đang là tình trạng phổ biến. TP.HCM gặp nhiều vụ sau khi khởi tố phải đình chỉ điều tra, thậm chí có vụ đã bị yêu cầu bồi thường. Những vụ án này gần như bế tắc và hiện đang phải tạm đình chỉ điều tra. Ông Hải dẫn chứng: “Tội trốn thuế bằng thủ đoạn khấu trừ thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn hoàn thuế khi trưng cầu giám định ở Cục Thuế TP.HCM thì có hành vi trốn thuế. Trên cơ sở đó, CQĐT khởi tố vụ án. Nhưng khi bị khiếu nại, trưng cầu giám định ở Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế lại xác định không có hành vi trốn thuế, không lừa đảo”.

Đáp lại, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận chi phí giám định cao, như vụ đường ống dẫn nước sông Đà chi phí này phải mất gần 4 tỉ đồng. Theo ông Vương, giám định tài chính, ngân hàng và đất đai là vấn đề hết sức khó khăn, nhất là liên quan tới góp vốn, cổ phần hóa, cổ phiếu, đầu tư, đối tác công tư. “Như vụ án Phan Văn Anh Vũ, một lúc chúng tôi phải trưng cầu giám định thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, thậm chí cả GTVT, TN&MT” - ông Vương nói và đề nghị các cơ quan lập pháp làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong giám định tư pháp.

Vướng giám định, án tham nhũng kéo dài - Ảnh 1.

Ông Dương Ngọc Hải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đ.MINH

Cách nào giải “điểm nghẽn” giám định?

Ông Lê Quý Vương chỉ ra bất cập của Luật Giám định tư pháp là chưa quy định thời hạn giám định bắt buộc, dẫn đến việc giám định kéo dài. Có nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, có khi đến hai năm sau mới phục hồi điều tra…

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn đánh giá giám định tư pháp là một “điểm nghẽn” trong tố tụng hình sự. Ông cũng đề nghị bổ sung thời hạn giám định đối với các trường hợp cần thiết phải giám định, nhất là trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế… Đáng chú ý, ông Phàn đề nghị khi nghiên cứu sửa đổi Luật Giám định tư pháp cần giải quyết dứt điểm câu chuyện “khi xuất hiện các kết luận khác nhau về một giám định thì sử dụng kết luận giám định nào”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho hay khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, cơ quan soạn thảo kiến nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định; quy định trách nhiệm các bộ, ngành trong việc ấn định thời gian giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định. Đặc biệt, sửa đổi để khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định, gây ảnh hưởng tới tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua.

Giang hồ cộm cán làm giả hồ sơ tâm thần

Trình bày báo cáo, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho hay một số địa phương có tình trạng các đối tượng giang hồ, cộm cán trong xã hội lợi dụng việc giả hồ sơ tâm thần để phạm tội, để trốn tội.

"Cực kỳ nguy hiểm khi tội phạm chỉ cần lấy được giấy chứng nhận tâm thần là nhởn nhơ trước pháp luật. Điều này tạo nên sự phẫn nộ đối với nạn nhân và dư luận xã hội" - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) bình luận. Ông Nghĩa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những chuẩn mực, quy chuẩn trong giám định tư pháp, từ đó xác định thế nào là tâm thần để khỏi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận thời gian qua có chuyện làm giả hồ sơ tâm thần để chạy án, điển hình là vụ việc Công an TP Hà Nội đã khởi tố tại BV Tâm thần Trung ương 1. "Vừa qua, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) khi bắt một chuyên án lớn đã phát hiện đối tượng gây án đã từng phạm tội về ma túy nhưng do có hồ sơ bệnh án tâm thần nên được ở bên ngoài xã hội rồi lại đi gây án" - ông Vương dẫn chứng và cho biết Bộ Công an sẽ sớm có tổng hợp và báo cáo về vấn đề này trong thời gian tới.

Ông Vương cũng thông tin vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo CQĐT các cấp phối hợp với VKS các cấp xem xét hết sức thận trọng các vụ án có liên quan tới bệnh án tâm thần để tránh bỏ lọt tội phạm. Ông Trần Công Phàn đề nghị với những vụ án có hồ sơ tâm thần thì đều phải trưng cầu giám định để đảm bảo khách quan.

Một giám định viên mỗi năm giám định 10.000 việc?

Qua khảo sát, có trung tâm pháp y ở một tỉnh báo cáo một năm họ giám định trên 10.000 vụ việc nhưng chỉ có một giám định viên, như vậy bình quân mỗi ngày làm ba vụ việc. Tôi đề nghị kiểm tra lại số liệu, nếu số liệu này là đúng thì chất lượng giám định thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, cả nước có 6.154 giám định viên tư pháp và 1.630 người giám định theo vụ việc. Trong khi các yêu cầu giám định rất nhiều thì số lượng giám định viên này có đáp ứng được nhu cầu không?

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng


Đức Minh