|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vùng nào được phân bổ vốn NSNN nhiều nhất cho đầu tư công 5 năm tới?

15:56 | 19/07/2021
Chia sẻ
Trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giao thông là ngành nhận được sự ưu tiên cao nhất về bố trí vốn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, chiếm 52,3% số vốn NSTW. Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng được phân bổ ngân sách nhà nước cao nhất với khoảng 471.000 tỷ đồng, chiếm 28%.

Giao thông được bố trí vốn nhiều nhất

Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc kế hoạch đầu tư công 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với mức đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, bao gồm 1,5 triệu tỷ đồng vốn NSTW và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP).

Tổng số vốn NSTW dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực.

Trong đó, vốn tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1% của tổng số vốn kế hoạch, tiếp đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7% và Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%...

Đáng chú ý, trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giao thông là ngành nhận được sự ưu tiên cao nhất về bố trí vốn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, chiếm 52,3% số vốn NSTW và 68,8% của số vốn kế hoạch bố trí cho các hoạt động kinh tế trong cùng giai đoạn.

Vùng nào được phân bổ vốn ngân sách nhà nước nhiều nhất trong 5 năm tới? - Ảnh 1.

Cơ cấu vốn NSTW phân bổ theo ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2025. (Nguồn: Báo cáo Chính phủ về Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025).

Vùng đồng bằng sông Hồng được phân bổ vốn NSNN cao nhất với khoảng 471.000 tỷ

Tổng số vốn NSNN (gồm NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn NSDP) bố trí cho các địa phương trong giai đoạn 5 năm tới là 1,68 triệu tỷ đồng. 

Vùng được phân bổ cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 28% (khoảng 471.180 tỷ đồng), tiếp đó là Đông Nam Bộ chiếm 19,37% (khoảng 325.961 tỷ đồng), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 18,74% (khoảng 315.357 tỷ đồng)...

Vùng nào được phân bổ vốn đầu tư công nhiều nhất trong 5 năm tới? - Ảnh 1.

Cơ cấu vốn NSNN theo vùng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. (Nguồn: Báo cáo Chính phủ về Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025).

Về tỷ trọng chi NSTW hỗ trợ các vùng, cao nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 24,26%, thứ hai là vùng miền núi phía Bắc chiếm 22,89%; thứ ba là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 19,36%...

Tuy nhiên, nếu tính 2 tỷ USD (tương đương với 46.000 tỷ đồng) vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dự kiến bổ sung cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì tổng chi đầu tư vốn NSTW hỗ trợ cho địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 26,8% và đứng ở vị trí thứ nhất.

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ trọng chi đầu tư bình quân vốn NSNN/GRDP vùng Tây Nguyên là lớn nhất (6,21%); tiếp đến là miền núi phía Bắc là (5,48%), Đồng bằng sông Cửu Long (4,24%) Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (3,91%), Đồng bằng sông Hồng (3,6%) và Đông Nam Bộ (2,84%).

Ngoài ra, mức vốn NSNN bố trí bình quân đầu người vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng cao nhất và thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc.

Vùng nào được phân bổ vốn đầu tư công nhiều nhất trong 5 năm tới? - Ảnh 2.

Mức hỗ trợ NSNN bình quân đầu người theo vùng giai đoạn 2021 - 2025. (Nguồn: Báo cáo Chính phủ về Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025).

Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước.

Đồng thời, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến bố trí cho khoảng 4.979 dự án, trong đó có 2.236 dự án khởi công mới, chỉ bằng 53,1% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 dưới 5.000 dự án. Đồng thời, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Phương Trang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.