|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vùng đáy của bi quan

07:51 | 30/05/2018
Chia sẻ
Quá nhiều hy vọng khi chỉ số VN-Index vượt mốc 1.173 điểm, nên những ngày gần đây, khi các mã chứng khoán đồng loạt lao dốc, nhiều nhà đầu tư đã rất sốc. Tâm lý lo lắng đẩy lên cao, đặc biệt sau phiên giao dịch ngày 28/5/2018, khi VN-Index giảm về gần mức 930 điểm, mức hầu hết nhà đầu tư không nghĩ đến trước đó 1 tháng.
vung day cua bi quan Thị trường chứng khoán 29/5: Đồng loạt tăng trần, VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm
vung day cua bi quan VN-Index tăng trở lại, khối ngoại vẫn tập trung bán VIC và GAS
vung day cua bi quan
Tâm lý sốt ruột của nhiều nhà đầu tư khiến nhiều cổ phiếu bị bán ra hàng loạt

“Lỗ quá, không dám cắt”

“Em mua cổ phiếu A, giờ đã lỗ gần 30%, theo các bác em có nên cắt không, hay chờ tiếp?". Trên một diễn đàn đầu tư chứng khoán với số lượng thành viên lên tới hơn 80.000 người, những dòng thông tin như thế này trong một tuần vừa qua, với nhiều mã chứng khoán được hỏi, trong đó phổ biến nhất là SHB, DXG, VCB, HSG... Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn đặt câu hỏi: “Cổ phiếu X bị mắc bệnh gì không, mà sao bị hắt hủi thế?”, khi mã chứng khoán đang nắm giữ bị bán ra nhiều.

Phía dưới những dòng thông tin này là những cách nhìn trái chiều của các nhà đầu tư.

Một lượng không nhỏ nhà đầu tư cho rằng: “Đã lỗ đến mức này rồi thì còn bán gì nữa. Chờ thị trường hồi phục rồi cân nhắc”.

Tâm lý không muốn bán lỗ, hoặc không muốn bán lỗ quá nhiều xảy ra ở nhiều nhà đầu tư. Đó là lý do không ít nhà đầu tư chấp nhận cầm cổ phiếu dù giá đã giảm sâu và thị trường dường như chưa có dấu hiệu sớm quay trở lại màu xanh.

Chiều ngày 28/5/2018, một nhà đầu tư than thở trên diễn đàn: “Đau khổ nhất là việc hy vọng cổ phiếu sẽ hồi 3 - 4% để bán, rồi nó giảm thêm 30 - 40% nữa. Điều dở nhất của nhà đầu tư lúc này không phải là họ không biết nguyên tắc cắt lỗ, mà thấy lỗ quá thì không dám cắt”.

Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư cho rằng, khi cổ phiếu giảm giá đến mức này, hiệu ứng hòn tuyết lăn sẽ diễn ra.

“Đa số nhà đầu tư sẽ có tâm lý cầm cự, nhưng khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm, áp lực bán thu hồi vay margin cộng tâm lý sốt ruột của nhà đầu tư sẽ khiến cổ phiếu bị bán ra đồng loạt. Đây mới là lúc cổ phiếu giảm mạnh. Chính vì thế, đây là thời điểm nên bán, chứ không phải nên mua”, một nhà đầu tư nhận xét.

Cũng trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu lo ngại về suy giảm chứng khoán giống giai đoạn 2007 - 2008.

800 điểm, 700 điểm, thậm chí 500 điểm là mức không ít nhà đầu tư đã đặt ra cho mức đáy của VN-Index trong sóng này khi chỉ số này liên tục giảm sốc những phiên gần đây. Lo ngại rằng mọi thông tin tốt đã ra, hiệu ứng từ việc bán ròng các mã của nhà đầu tư ngoại (nếu loại ra một số thương vụ mua ròng rất đặc biệt), nguy cơ cổ phiếu bị bán do chạm ngưỡng bổ sung tiền của margin... khiến nhà đầu tư chùn bước.

Với những nhà đầu tư này, bán hết những gì có thể bán là tâm lý chủ đạo dẫn dắt họ. Với những nhà đầu tư đã bán ra, tâm lý chờ đợi phổ biến hơn là việc sẵn sàng mua vào. “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi. Hãy mua vào khi những người nói câu này cũng cắt lỗ vì sợ câu nói ấy”, nhà đầu tư Nguyễn Đức Anh, người trước đó từng cho biết đã bán hết cổ phiếu khi VN-Index ở quanh mốc 1.050 điểm đưa ra quan điểm.

Tâm lý đổ lỗi xuất hiện

Đến thời điểm này, khi VN-Index tiến gần mốc 900 điểm, tâm lý đổ lỗi của nhà đầu tư cá nhân bắt đầu xuất hiện. Tại ông A nói chứng khoán đã nóng, tại ông B nói thị trường sẽ giảm, tại Công ty Chứng khoán X nói VN-Index sẽ về 900 điểm… Đó là một vài cái “tại” được nhà đầu tư lôi ra để lý giải, để đổ lỗi cho việc thị trường chứng khoán đi xuống.

Trên kênh trực tuyến tại Youtube của một chuyên gia chứng khoán có lượng người theo dõi rất lớn, người này cũng đã từng chỉ trích rất gay gắt một cá nhân có tên tuổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi cá nhân nói trên cho rằng thị trường đang ở vùng nguy hiểm. Cũng tương tự như vậy, khi một công ty chứng khoán đưa ra dự báo sốc về mức sụt giảm của chỉ số, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, đó là hành động “ném đá thị trường”.

vung day cua bi quan
Click xem ảnh lớn

Ở một góc độ khác, nhiều nhà đầu tư đã dành khá nhiều thời gian và công sức để giải thích về một giả định, rằng không phải ngẫu nhiên một số bên phát ngôn đồng loạt về nguy cơ thị trường chứng khoán sụt giảm.

“Khi đọc sách về chứng khoán cứ đến chương CW (Covered warrant) và phái sinh là tôi bỏ qua vì tôi không quan tâm, nhưng hôm nay khi đọc toàn bộ chương về CW của Peter Lynch nói về CW ở thị trường New York cách đây vài chục năm thì tôi đã giật mình. Hóa ra là vậy, ước gì tôi không bỏ qua nó thì tôi đã cho các bạn lời khuyên từ cách đây hai tuần, chứ không phải hôm nay. Nhưng hy vọng giờ vẫn nó vẫn có ích cho các bạn”, trích đoạn một bài viết đã được chia sẻ trên các diễn đàn trong thời gian vừa qua.

Theo nội dung bài chia sẻ này, chính việc các “nhà cái” phát hành mới là những người có xu hướng muốn tạo ra những cơn sóng bất an về thị trường chứng khoán nhằm khuyến khích và lôi kéo nhà đầu tư tham gia sản phẩm mới này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cho rằng, do giai đoạn đầu số lượng loại cổ phiếu được phát hành CW và khối lượng mỗi loại ít nên mức độ tác động sẽ không quá lớn.

Bỏ qua tính đúng sai của lời giải thích trên, nhìn vào động thái chung của các nhà đầu tư, thì rõ ràng, xu hướng đi tìm một lời giải thích cho sự sụt giảm này là điều dễ thấy. Và nhà đầu tư có xu hướng đổ lỗi cho ai đó, khi họ chưa tìm được một lý do đủ thuyết phục và khách quan cho việc chứng khoán giảm giá. Nhưng, có một điều chắc chắn là, thị trường chứng khoán luôn thế: Tăng và giảm trong nghi ngờ!

Nhà đầu tư lớn tìm cơ hội tái cấu trúc danh mục

Phiên giao dịch ngày 28/5/2018, điểm rất xấu là chỉ số VN-Index đã sụt giảm rất mạnh, đẩy nhiều cổ phiếu vào ngưỡng bán giải chấp, gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư. Nhưng điểm tích cực là thanh khoản đã tăng lên đáng kể, với khối lượng khớp lệnh trên HOSE là hơn 230 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 5.072 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng khớp lệnh đạt 61,4 triệu cổ phiếu, với giá trị đạt 895 tỷ đồng. Đặc biệt, nhà đầu tư ngoại đã dừng trạng thái bán ròng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đang tỏ ra bi quan, thì ai là người đã mua vào cổ phiếu?

Lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn cho biết, quỹ này đã sai khi lạc quan ở vùng VN-Index sụt về mức trên 1.050 điểm.

“Nhưng rất may mắn là chúng tôi đã kiên định tái cấu trúc danh mục đầu tư. Dù chưa thể khẳng định về diễn biến chỉ số VN-Index, nhưng đây là giai đoạn rất tốt để tiếp tục chuyển đổi, đặc biệt là cơ hội đầu tư vào những mã chứng khoán bị giảm giá sâu theo nhóm ngành chung, nhưng định giá thấp”, vị này chia sẻ.

Quan điểm mua dần, nhưng khi được hỏi về chiến lược đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân, vị này cho rằng, nếu không thực sự am hiểu về doanh nghiệp và định giá được giá trị cổ phiếu và đặc biệt vốn không đủ dài thì điều tốt hơn cả với nhà đầu tư cá nhân là chờ đợi, thay vì bắt đáy ở thời điểm này. Đây là thời điểm phù hợp hơn cho nhà đầu tư tổ chức vào cuộc”.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trúc Chi