|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vua tiêu Việt Nam: 'Chi phí logistics đã lấy đi 70% lợi nhuận của chúng tôi'

07:44 | 09/04/2021
Chia sẻ
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết chi phí logistics đã lấy đi 70% lợi nhuận của công ty . Giá cước vận tải tăng cao trong khi container cũng không có để vận chuyển hàng

Tình hình logistics nóng trở lại

Ngay từ đầu năm, tình hình logistics đường biển khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên khi thiếu container rỗng trầm trọng và giá cước tăng cao tới 3 lần. Từ cuối tháng 3, sự cố kênh đào Suez đã khiến việc thuê container và giá cước tăng căng thẳng trở lại.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Phúc Sinh, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam. 

Trao đổi với người viết, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của công ty này.

"Chi phí logistics đã lấy đi 70% lợi nhuận của công ty chúng tôi. Giá cước vận tải tăng cao trong khi container cũng không có để vận chuyển hàng. Nếu như trước đây một ngày chúng tôi có thể xuất đi 10 container thì hiện chỉ còn xuất khẩu được 2 container", ông Thông cho biết. 

Tình trạng thiếu container rỗng đã kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay. Trước đó, hồi đầu tháng 12/2020, chia sẻ với người viết ông Thông cho biết lượng hàng xuất khẩu của Phúc Sinh giảm 40% do thiếu container. Chi phí vận tải tăng gấp 300%. 

Trong khi đó, nhu cầu xuất hàng của Trung Quốc lớn khiến lượng container cho các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều.

"Chúng tôi vẫn đang chiến đấu với các hãng container hàng ngày. Phương án trước mắt của Phúc Sinh là chuyển từ bán từ hình thức CNF sang FOB. Bên cạnh đó, chúng tôi hạn chế thu mua tiêu để tránh việc dư hàng", ông Thông nói.

Còn ở thời điểm hiện tại, ông Thông cho biết ngay cả khi kênh đào Suez đã được giải phóng, các tàu container vẫn đang phải xếp hàng để đi.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong hai tháng đầu năm, lượng xuất khẩu hồ tiêu của Phúc Sinh giảm mạnh tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Phúc Sinh lấy lại vị trí thứ 3 trong top các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam mà công ty đã để tuột mất nhờ tháng 2 tăng trưởng 10% so với tháng 1, lên mức 1.087 tấn. 

Đây cũng là thứ hạng mà Phúc Sinh duy trì ổn định trong năm 2020 (sau Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xuất Nhập Khẩu Trân Châu và Olam Việt Nam).

Vua tiêu Việt Nam: 'Chi phí logistics đã lấy đi 70% lợi nhuận của chúng tôi' - Ảnh 1.

Lượng xuất khẩu tiêu của Phúc Sinh từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021. (Số liệu: Tổng hợp, Đồ thị: H.Mĩ)

Mặc dù vậy, con số xuất khẩu tiêu trong tháng 2 cũng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Thông được mệnh danh là "vua tiêu" khi là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, Phúc Sinh còn được biết đến là một doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê với thương hiệu Kcoffee.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc khủng hoảng dư cung đã khiến giá tiêu liên tục lao dốc từ mức đỉnh điểm hơn 200.000 đồng tấn năm 2015 xuống chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg. Thậm chí có lúc, giá tiêu giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg (tháng 4/2020).

Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Phúc Sinh. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Phúc Sinh giảm tới 40% xuống 3.893 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp ghi nhận tăng trưởng 36,4% lên 292 tỷ đồng. 

ca - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Phúc Sinh giai đoạn 2016 - 2019. (Số liệu: Tổng hợp, Đồ họa: Justin Bui)

Hàng không thể xuất và giá tiêu dần hạ nhiệt

Trong bối cảnh khó khăn khi chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp không thể xuất hàng, làn sóng bán tiêu trong bộ phận người dân bắt đầu xuất hiện.

Ông Thông cho biết: "Có những ngày người dân muốn bán dữ dội nhưng sức mình không nuốt nổi. Có người muốn bán 500 - 1.000 tấn nhưng sức mua của Phúc Sinh chỉ khoảng 50 - 200 tấn vì không xuất hàng được. Mọi thứ đều căng thẳng. Giá cao người mua ít đi. Hàng đầy kho nhưng không xuất được luôn."

Tình cảnh này khác hoàn so với thời điểm cách đây một tháng khi người dân và giới đầu cơ găm hàng không muốn bán khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Theo đó, giá ký bán cho đối tác nhập khẩu rất thấp mà trong nước giá tăng cao đột biến, từ 50.000 đồng/kg lên gần 80.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày. Cộng thêm chi phí logistics tăng chóng mặt như hiện nay, việc thua lỗ là điều khó tránh khỏi. 

Tuy nhiên, nếu không mua từ dân thì không có hàng để xuất và sẽ đứng trước nguy cơ mất khách hàng. 

Thời điểm hiện tại, giá đã dần ồn định và quay trở về mức khoảng 70.000 đồng/kg.

ca - Ảnh 3.

Số liệu: Tổng hợp, Biểu đồ: Đức Quỳnh

Ông Thông cho rằng sang tháng 5 - 6, giá tiêu sẽ còn giảm hơn nữa,  xuống khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg bởi lúc đó áp lực giao hàng không cao. Bước sang tháng 7,8, các nước Indonesia và Brazil nhập vụ, lượng tiêu lúc đó sẽ dồi dào.


Đức Quỳnh