|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Vừa làm nông dân đã lên làm CEO', nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn rất lớn về quản trị dòng tiền

15:24 | 21/04/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ, Hà Nội, chỉ riêng huyện này đã có 11 làng nghề, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nhiều chủ doanh nghiệp, Giám đốc còn rất thiếu kiến thức về quản trị dòng tiền, rủi ro khi "vừa làm nông dân đã lên làm CEO".

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Diễn đàn Kinh tế Thủ đô (CEF) 2023 diễn ra chiều 21/4, ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ cho biết, các doanh nghiệp SME hiện đang gặp hai khó khăn lớn nhất là: Vốn và quản trị.

Ông Linh cho biết, theo định hướng phát triển của Chính phủ, các hộ kinh doanh tại các làng nghề đã chuyển sang mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp này có lợi thế rất lớn về kinh nghiệm, tay nghề sản xuất, nguồn cung cấp nguyên vật liệu và thị trường nên giá cả khá cạnh tranh. Tại một làng nghề, hầu hết các nguyên liệu từ hệ sinh thái chung, chúng tôi cũng xây dựng được thị trường và thương hiệu từ lâu đời.

“Tuy nhiên, việc chủ các doanh nghiệp từ người nông dân, người thợ lên làm CEO, làm quản lý khiến họ gặp khó khăn rất lớn về quản trị. Để mở rộng quy mô và xây dựng mô hình doanh nghiệp, cần phải có kiến thức để quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền, có kiến thức về pháp luật để làm đúng chính sách về thuế”, ông Linh nói.

Như quý IV/2022, khó khăn về room tín dụng như một nấc phanh gấp khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có kiến thức về quản trị dòng tiền bị ảnh hưởng nặng nề.

“Vốn đang thoải mái giờ tự nhiên phải co rúm lại, hàng tồn kho chưa kịp xử lý khiến doanh nghiệp không biết xoay sở ra sao. Thông thường, các doanh nghiệp này bán hàng cho đối tác có khi hàng tháng mới thu tiền. Nhưng trong bối cảnh này, đối tác trả chậm thì doanh nghiệp lấy đâu tiền trả cho ngân hàng”, ông Linh nói. 

Đúng là trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp làng nghề vẫn kinh doanh theo kiểu rất “nông dân”, thiếu kiến thức. Bài học về vốn trong giai đoạn hiện nay là “cú sốc” lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có thể đẩy họ đến bờ vực phá sản. 

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, ngoài việc chờ Nhà nước “cứu” theo tôi các doanh nghiệp cần tự cứu mình bằng cách dòng tiền luân chuyển phải tốt hơn, hàng tồn kho giảm xuống, mọi khi cho đối tác trả chậm 30-45 ngày thì giảm xuống 10 ngày, thanh toán tiền ngay là tốt nhất, ông Linh cho hay. 

Về lâu dài cần nâng cao khả năng quản trị, đối phó với rủi ro, tránh kinh doanh theo kiểu “nông dân” như trước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải làm sao tăng quản trị rủi ro, thể hiện cho các tổ chức tín dụng thấy khả năng quản trị của mình.

“Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng nếu doanh nghiệp không có bản lĩnh, không thể hiện được khả năng dòng tiền của mình thì hai bên khó có thể đến được với nhau”, ông Linh nói. 

Về cơ cấu nguồn vốn, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn tự có rất ít, chủ yếu vay vốn ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng. Một nguồn vốn tiềm năng mà doanh nghiệp SME chưa tiếp cận được là từ các tổ chức, quỹ đầu tư.

Vì vậy, các tổ chức, các quỹ đầu tư cần sát sao hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện chỉ huyện Phúc Thọ với 11 làng nghề đã có tới vài nghìn doanh nghiệp nên chỉ nguồn vốn tín dụng là không thể đủ.

Diễn đàn Kinh tế Thủ đô (CEF) 2023. (Ảnh: Hạ An).

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN TP Hà Nội cũng cho biết, doanh nghiệp luôn luôn cho biết khó khăn trong tiếp cận vốn, ngân hàng thì cũng rất muốn cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Với riêng TP Hà Nội, tính đến cuối tháng 1/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 4.653 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Trong đó, tiền gửi đạt 4.250 nghìn tỷ đồng, tăng 1%; phát hành giấy tờ có giá (kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu) đạt 403 nghìn tỷ đồng, tương đương cuối năm trước.

Ước đến cuối tháng 01/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.031 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm kết thúc năm 2022, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.179 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.852 nghìn tỷ đồng, tăng 1%.

Những con số này cho thấy ngân hàng rất muốn cho vay, muốn đưa tiền vào doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp cần vượt lên bằng nội lực của mình. Các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về năng lực tài chính, đảm bảo về tính pháp lý.

"Doanh nghiệp tốt thì đi đâu cũng vay được tiền còn doanh nghiệp có vấn đề về pháp lý, không minh bạch thông tin tài chính thì đi ngân hàng nào cũng khó khăn vốn", ông Tuấn nói.

Vừa qua, NHNN đã đưa ra dự thảo Thông tư về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, hiện các ngân hàng thương mại đã tập huấn để triển khai ngay khi Thông tư ban hành.

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện dự thảo Thông tư này đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các bộ ngành và dự kiến ban hành vào đầu tháng 5, Thông tư sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành chứ không phải chờ đến 45 ngày sau như một số Thông tư khác.

Bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc CTCP Misa. (Ảnh: Hạ An).

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc CTCP Misa đưa giải pháp về việc kết nối giữa phần mềm kế toán với ngân hàng. Theo bà Thuý, nếu doanh nghiệp tự in báo cáo tài chính mang ra ngân hàng chưa chắc đã được chấp nhận còn nếu để bên thứ ba như các phần mềm kế toán và kết nối thẳng dữ liệu đến ngân hàng thì sẽ đảm bảo được tính minh bạch.

Misa đã đưa ra nền tảng Misa Lending để kết nối các tổ chức tín dụng uy tín với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thông tin chúng tôi có được chỉ 3/100 doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng nếu chứng minh năng lực tài chính theo cách này. Còn với việc cho phép Misa chuyển báo cáo tài chính hay các số liệu kế toán đến ngân hàng, tính minh bạch là rất cao, 25% doanh nghiệp đã tiếp cận vốn tín dụng theo cách này.

"Hiện Misa đã kết nối được 500 tỷ đồng vốn vay qua hình thức này. Chúng tôi đặt mục tiêu kết nối được 10.000 tỷ đồng vốn vay thông qua ứng dụng của Misa trong năm 2023", bà Thuý cho hay.

Hạ An