|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu: Doanh nghiệp xây dựng đối diện với nguy cơ phá sản

17:21 | 19/04/2023
Chia sẻ
Theo Chủ tịch VACC, các nhà thầu xây dựng đang trải qua gia đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, rất nhiều doanh nghiệp không có việc để làm. Nếu không có cơ chế bảo vệ,  doanh nghiệp xây dựng sẽ đối diện với nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu tại sự kiện sáng 19/4. (Ảnh: Chụp màn hình).

Chia sẻ tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" diễn ra sáng 19/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch GP.Invest cho biết, đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ. 

Vị này dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ. Còn theo thống kê của VACC, phần lớn doanh nghiệp xây lắp chỉ thực hiện được 8% kế hoạch của năm 2023.

"Có thể nói ngành xây dựng đang ở trạng thái "bê bết" nhất từ trước đến nay", ông Hiệp nói.

Chủ tịch VACC cho biết, thời gian qua 40 doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ ở miền Trung không có việc để làm. Trong khi đó, một nhóm nhà thầu xây dựng phía Nam, do CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đứng đầu cũng đã gửi kêu cứu lên Thủ tướng vì tình hình tài chính khủng hoảng và việc làm khó khăn. Phía Bắc cũng trong tình trạng tương tự, loạt công ty xây dựng lớn không có công việc, trừ những nhà thầu nào đủ năng lực làm đầu tư công.

Song, đầu tư công tập trung chủ yếu là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đó lại thực hiện chỉ định thầu. Cho nên, chỉ có một số doanh nghiệp lớn đủ năng lực, kinh nghiệm thì mới được làm mà các doanh nghiệp xây lắp phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Nhiều doanh nghiệp trong top 10 công ty xây dựng cũng đang trong tình trạng báo động về tài chính, không có tiền trả cho nhà thầu phụ, trả cho nhân công, trả tiền vật tư nên khả năng phá sản hoặc ngừng kinh doanh dễ xảy ra", ông Hiệp nói.

Đặc thù ngành xây dựng là làm trước, phải đi vay tiền ngân hàng và làm xong mới được thanh toán, mặc dù có được tạm ứng trước 15-20%. "Như vậy, nếu nhà thầu đi vay để làm trước với lãi suất 11-13%/năm như hiện nay mà chủ đầu tư khó khăn không thể chi trả, thậm chí một số chủ đầu tư yêu cầu trả bằng sản phẩm thì nhà thầu lấy đâu ra tiền để thanh toán?", Chủ tịch VACC đặt vấn đề.

Theo ông Hiệp, nếu không có cơ chế bảo vệ cho nhà thầu xây dựng thì trong vòng 5 năm nữa sẽ không có doanh nghiệp nào dám làm, các nhà thầu có thể sẽ "tiêu vong".  

Ông nêu ví dụ về một dự án tại đường Lê Trọng Tấn (TP Hà Nội) đã được nhà thầu hoàn thành nhưng chủ đầu tư không ký nghiệm thu và nợ 7-8 năm nay, khi đưa ra tố tụng theo luật dân sự thì không giải quyết được.   

Do đó, ông Hiệp mong muốn Chính phủ, Quốc hội có sự quan tâm hơn tới các cơ chế cho nhà thầu xây dựng. 

Đăng Nguyên