|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ việc Khaisilk và mối lo hàng Trung Quốc thống lĩnh

12:14 | 28/10/2017
Chia sẻ
"Giờ nghĩ lại, tôi thấy cần nói một điều khác, theo tôi là thảm khốc hơn, cấp thiết hơn. Đó là mối nguy về sự lệ thuộc kinh tế và sự thống lĩnh của hàng Trung Quốc", bà Vũ Kim Hạnh tâm sự.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ suy nghĩ của bản thân sau vụ bê bối Khaisilk.

Ngày 26/10, tôi ngồi trong hội trường diễn đàn Mekong Connect từ sáng đến chiều mà có đến 3 cú điện thoại gọi phỏng vấn và 2 nhà báo chờ trước cửa phòng họp về Khaisilk. Một tờ báo điện tử gọi từng chập như đòi nợ hết hạn.

Tôi từ chối hết. Vì mọi người đã nói đúng và đủ.

Giờ nghĩ lại, tôi thấy cần nói một điều khác, theo tôi là thảm khốc hơn, cấp thiết hơn. Đó là mối nguy về sự lệ thuộc kinh tế và sự thống lĩnh của hàng Trung Quốc.

Không nói lý sự, tôi chỉ kể ở đây những câu chuyện thật và tùy người đọc suy nghĩ.

vu viec khaisilk va moi lo hang trung quoc thong linh
Khách hàng tố trên cùng 1 chiếc khăn mua tại cửa hàng thuộc hệ thống Khaisilk lại có 2 mác, 1 "made in China" và 1 là Khaisilk made in Vietnam. Ảnh: Facebook Dangnhuquynh.

Chuyện Khaisilk phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Hàng Trung Quốc giờ thống lĩnh không ít lĩnh vực hàng hóa Việt Nam: thời trang (quần áo, giày dép), vật liệu xây dựng, phân bón thuốc sâu thuốc cỏ, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử.

Mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức thường niên, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều doanh nghiệp “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không nổi.

Siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn "made in Việt Nam", trong bâu áo còn nguyên nhãn “made in China”.

Tôi đến thăm trung tâm triển lãm hàng vật liệu xây dựng Phật Sơn, thấy trên nóc của cái sảnh khổng lồ có treo cao một lá cờ Việt Nam to ở vị trí rất trọng vọng.

Người hướng dẫn nói thật Việt Nam là một trong những quốc gia nhập hàng vật liệu xây dựng chùa của Trung Quốc nhiều nhất. Chà, khách sộp! Hèn chi các hãng gạch, kính, thiết bị vệ sinh Việt Nam… thi nhau rớt.

Các nhà thầu, giờ do cạnh tranh, chỉ chuyên bán trọn bộ nội thất hàng Trung Quốc, đủ loại mẫu mã, nhanh, đúng hẹn, giá rẻ.

Tôi từng đến Thổ Tang, trung tâm hàng Trung Quốc, phục ở đó mấy đêm xem vận chuyển và phân phối về Nam hàng rau quả từ biên giới về, thấy đường dây phân phối thật khủng.

Các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khu vực phía Nam mấy năm trước hăng hái “Bắc tiến” nay không ít công ty quay lộn về, vì chịu không nổi hàng Trung Quốc.

Hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” ngon ơ. Một số doanh nhân người Thái than: "Họ dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở Việt Nam tỉnh bơ". Họ đầu tư qua Campuchia, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc “made in China”.

Họ chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ khu nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều khu công nghiệp cũng vậy.

Có doanh nghiệp từng kể tôi nghe ở khu công nghiệp Bắc Ninh, người Trung Quốc nhập giấy đã thành phẩm, chưa đóng gói vào đó và làm package xong dán nhãn Việt Nam đem bán với giá… giết hết các hãng sản xuất giấy Việt Nam.

Doanh nhân Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về bán, vì thời thế thị trường, vì tham (quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm…). Ngoài ra còn vì lừa, thực sự cũng dễ lừa người tiêu dùng (hàng Trung Quốc dán nhãn lung tung đâu dễ bị phát hiện).

Và rồi có những người thành ra ác vì 3 điều: Giết sản xuất trong nước, làm hỏng niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt, và có khi bán hàng độc, hại người.

Hàng ta không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Trước nhất vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh.

Nhưng nếu hàng Trung Quốc làm giả, gian lận thương mại, có độc tố vẫn cứ còn “thênh thang” trên thị trường bằng ưu ái, bằng sự ngần ngại “đụng”, bằng đường tiểu ngạch… thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh tranh cùng họ, chứ đừng nói đánh thắng họ.

Bởi chúng ta đang còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: mấy nghìn giấy phép con, thanh tra - kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào càng tăng.

Khi biết rằng sự thua kém hàng Trung Quốc gần như điều thấy trước, thậm chí khách quan, thì chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình (cũng là bảo vệ sự độc lập của mình), và nhất là bảo vệ doanh nghiệp của mình.

Chúng ta đã và cần làm gì để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp của mình, điều hiển nhiên, bức bách cần làm để cạnh tranh với hàng Trung Quốc ngay trên đất nước mình?

Hiện nay, tình trạng bán và đóng băng, giải thể các nhà máy, công ty ở nhiều nơi. Rồi mai này, nền sản xuất kinh doanh của Việt Nam sẽ ra sao?

Đó là chưa kể “xu hướng lệ thuộc kinh tế" mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và nhiều người, nhiều tổ chức đã cảnh báo trước Quốc hội mấy năm trước, còn nói dài dài tới bây giờ.

Nhiều nhà máy thi nhau nhập thiết bị Trung Quốc. Cuộc “tiếp nhận” đợt thiết bị lạc hậu của các nhà máy cũ thời Trung Quốc là “công xưởng của thế giới”, nay họ thải ra khi đi vào thời kỳ nâng cấp công nghệ và nền kinh tế.

Cuộc xử lý hàng hóa xuất khẩu bị ứ thừa do tiêu dùng thế giới giảm sút, hay tâm lý ngán ngại hàng Trung Quốc mà "ủn" sang láng giềng... dễ ợt.

Câu chuyện này còn phải nghiên cứu lâu. Và không chỉ nghiên cứu hoài, mà phải hành động để tự cứu mình.

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.