|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Ðà: Tỉnh Hòa Bình 'đòi' hồ Ðầm Bài, yêu cầu làm kênh kín

09:25 | 22/10/2019
Chia sẻ
Nhằm tránh nguồn nước bị nhiễm bẩn, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản đề nghị Cty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà (Viwasupco), phải xây dựng kênh kín để đảm bảo an ninh nguồn nước sông Ðà theo đúng mục tiêu dự án.

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình yêu cầu hồ Ðầm Bài phải được sử dụng đúng chức năng là hồ điều tiết phục vụ nước sản xuất nông nghiệp và thủy lợi.

avatar_1571705401488

Các nguồn nước khác nhau đang đổ ra kênh chảy vào Nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh chụp chiều 21/10. Ảnh: A.Trọng

Viwasupco mượn hồ thủy lợi để kinh doanh nước sạch

Thông tin với PV Tiền Phong ngày 21/10, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, theo mục tiêu của dự án đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai, Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông là “khai thác nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sạch cho vùng Thủ đô Hà Nội”.

Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh Hòa Bình, từ năm 2005 đến nay, do nhà máy nước sạch sông Đà chưa xây dựng được hồ chứa đủ lớn để phục vụ công suất 300.000m3 nước/ngày đêm nên hồ Đầm Bài được trưng dụng làm hồ chứa. Kể từ đây, hồ Đầm Bài có thêm chức năng phục vụ sản xuất nước cho nhà máy nước sạch sông Đà.

Ông Hoàng Đình Tráng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình (đơn vị quản lý hồ Đầm Bài) cho biết, hiện hồ Đầm Bài đang được tỉnh Hòa Bình cho Viwasupco “mượn” để kinh doanh nước sạch. 

Theo kế hoạch, khi nâng công xuất dự án lên gấp đôi ở giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ nâng cấp và xây kênh dẫn nước đúng tiêu chuẩn, kết thúc thời gian quá độ "mượn" hồ Đầm Bài làm bể chứa nước. Tuy nhiên đến nay, giai đoạn 2 của dự án đã cơ bản xong, nhưng chủ đầu tư  vẫn chưa trả hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Tráng, từ khi hồ có thêm chức năng cung cấp nước cho nhà máy Viwasupco, việc điều tiết nước phục vụ nông nghiệp trở nên khó khăn do đơn vị không thể chủ động bơm nước tưới tiêu. 

“Vào mùa khô, nhu cầu cần nước tưới nhiều, nhưng mỗi khi bơm, đơn vị lại phải báo cáo với Viwasupco, vì sợ bơm dưới mực nước lấy vào nhà máy sẽ ảnh hưởng đến công suất sản xuất nước sạch hàng ngày”, ông Tráng nói.

Nếu không lấy nước suối sẽ không có chuyện nhiễm bẩn!

Nói về sự cố nước đầu nguồn vào nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải vừa qua, ông Hoàng Đình Tráng cho rằng, nguồn ô nhiễm này xuất phát từ con suối Trâm ở xóm Vật Lại, xã Phú Minh, huyên Kỳ Sơn, chảy vào kênh thu nhà máy. 

“Nếu nhà máy nước sạch sông Đà không lấy nước đầu vào từ các con suối, trong đó có suối Trâm thì sẽ không có chuyện nước bị nhiễm bẩn”, ông Tráng khẳng định.

Trong ngày 21/10, PV Tiền Phong tiếp tục có mặt để ghi nhận công tác xử lý, khắc phục sự cố tại suối Trâm, suối Bằng - một trong những dòng suối đang được nhà máy nước sạch sông Đà lấy nước đầu vào. 

Dọc suối Trâm - nơi bị đổ trộm dầu thải, lực lượng chức năng đã huy động nhiều xe để xúc toàn bộ đất dính dầu bẩn đưa lên xe tải chở đi. Đoạn suối khá dài nên dự kiến công việc này sẽ còn mất nhiều ngày nữa mới có thể hoàn thành.

Đoạn suối Bằng - điểm đổ thẳng ra hồ Đầm Bài đã được Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) lắp màng lọc dầu nhiều lớp. Ghi nhận tại điểm xả từ nhà máy nước sạch sông Đà đã hết màu đen, tuy nhiên lớp váng vẫn còn nhiều và bị mắc lại tại các màng lọc dầu.

Vào sâu bên trong, đoạn suối đổ ra hồ Đầm Bài có khoảng 15 cán bộ Trung tâm SOS đang có mặt để lắp đặt các lưới vải lọc nước. 2 máy bơm hoạt động giữa hồ để hút bùn sa lắng đưa lên lưu giữ tại nơi được tập kết.

Ghi nhận dọc các dòng suối Trâm, suối Bằng và kênh dẫn nước vào nhà máy, chúng tôi vẫn thấy các nguồn nước từ các khe, đồi chảy nhập vào dòng nước chính chảy vào nhà máy. Quan sát ở đây cho thấy nước chảy vào nhà máy có váng bọt và màu xám trắng.

Triệu tập con gái Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận cơ quan điều tra đã triệu tập con gái Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà và Nguyễn Thành Trung (cán bộ công ty) để phục vụ điều tra.

Theo thông tin ban đầu, tháng 9/2019, Lý Ðình Vũ (SN 1982, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) giới thiệu người thu gom, xử lý dầu thải liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang (SN 1988, là trợ lý giám đốc Cty), con gái Chủ tịch HÐQT Cty gốm sứ Thanh Hà để đề xuất về việc tiếp nhận, xử lý, tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại Cty và được Trang đồng ý.

Theo thỏa thuận, Trang phải trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Ðến sáng 7/10, Vũ gọi điện thoại cho Trang để thu gom dầu thải. Trang đi vắng nên giao việc cho ông Trần Thành Trung (cán bộ phòng vật tư) chuyển giao dầu thải cho Vũ.

Theo đó, hơn 8h ngày 7/10, xe tải mang BKS 99C- 087.83 do Nguyễn Trương Ðại (SN 1994, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) điều khiển thu gom dầu thải cho Vũ. Ði cùng có Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại Văn Quang, Lạng Sơn).

Ông Trung chuyển giao dầu thải cho Ðại và Thám. Xe đi qua trạm cân công ty với trọng lượng dầu là 8.830 kg. Việc giao dịch tài chính giữa Trang và Vũ đến nay vẫn chưa thực hiện.

Trước đó, trưa 20/10, Lý Ðình Vũ ra tự thú tại Công an tỉnh Bắc Ninh sau nhiều ngày lẩn trốn. Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Hòa Bình đang tạm giữ Vũ để điều tra. Bước đầu Vũ thừa nhận có liên quan đến hành vi xả chất thải vào nguồn nước sông Ðà.

QUANG LỘC

"Nếu nhà máy nước sạch sông Ðà không lấy nước đầu vào từ các con suối, trong đó có suối Trâm thì sẽ không có chuyện nước bị nhiễm bẩn".

Ông Hoàng Ðình Tráng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hòa Bình

Trọng Đảng - Trần Hoàng