Vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam: Một số bị cáo sử dụng yếu tố hoàn cảnh để bao biện hành vi phạm tội
Ngày 13/8, Tòa án nhân dân TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương với phần đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư nhóm bị cáo ở những trung tâm đăng kiểm khối V (trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM, đa số các luật sư xác định các bị cáo nhận tội, cáo trạng đúng, chỉ trình bày một số nội dung theo cách tiếp cận, đánh giá của luật sư; nhấn mạnh các bị cáo thành khẩn nhận tội, việc các luật sư trình bày không làm thay đổi việc nhận tội và xin đánh giá các bị cáo thành khẩn, tích cực...
Viện Kiểm sát cho rằng, khi các luật sư đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng thì có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, một số luật sư vẫn cho rằng, hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, số tiền các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, không thực hiện hành vi theo yêu cầu của chủ phương tiện..., đơn cử như việc luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Toàn (cựu Trưởng chuyền đăng kiểm 2 của Trung tâm đăng kiểm 50-05V, chi nhánh Hồng Hà) cho rằng chưa đủ căn cứ buộc tội đối với thân chủ.
Ngoài ra, một số luật sư lại có ý kiến về cách tính tiền quy buộc trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo; luật sư của bị cáo Tô Anh Vũ (cựu Trưởng chuyền đăng kiểm, Trung tâm đăng kiểm 50-05V) còn cho rằng, hành vi nhận tiền hối lộ của bị cáo là hành vi giúp đỡ chủ xe…
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, không thể có chuyện vừa nhận tội và yêu cầu Hội đồng Xét xử, Viện Kiểm sát áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án, nhưng đồng thời lại cho rằng, Viện Kiểm sát xác định hành vi của các bị cáo là chưa xác định đúng lỗi hoặc hành vi của các bị cáo không có lỗi. Việc các luật sư trình bày “luận cứ hai hàng” như vậy, Viện Kiểm sát nhận thấy khó mà xác định rằng các bị cáo đang thành khẩn nhận tội.
Về việc một số luật sư cho rằng, Viện Kiểm sát áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên và phạm tội có tổ chức đối với bị cáo mình bào chữa là không có căn cứ, theo Viện Kiểm sát, tình tiết phạm tội có tổ chức mà Viện quy kết trách nhiệm đối với các bị cáo là hành vi cấu kết cùng nhau thực hiện tội phạm, hành vi của người này là tiền đề cho hành vi của người sau, liên tiếp nhau tạo nên hậu quả/kết quả cuối cùng.
Cụ thể, đăng kiểm viên trực tiếp nhận tiền, kiểm định phương tiện, trưởng dây chuyền là người ký xác nhận kiểm định đạt, để lãnh đạo ký cấp giấy chứng nhận. Số tiền hối lộ nhận được, chuyền trưởng tập hợp mỗi ngày và chia nhau hưởng lợi theo quy ước sẵn. Chuỗi phân công này hết sức chặt chẽ, mỗi vị trí có nhiệm vụ riêng không thể tách rời, do vậy Viện Kiểm sát quy kết hành vi có tổ chức là có căn cứ.
Liên quan đến tình tiết “phạm tội nhiều lần”, luật sư của một vài bị cáo cho rằng việc cộng dồn số tiền để định khung đối với các bị cáo, lại còn áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần nghĩa là “một hành vi bị định trách nhiệm hai lần”. Viện Kiểm sát cho biết, kết quả điều tra và kết quả xét hỏi tại tòa đã thể hiện rõ các bị cáo là ban giám đốc trung tâm, trưởng chuyền và một số đăng kiểm viên nhận hối lộ nhiều lần và mỗi lần đều nhiều hơn 2 triệu đồng thì Viện Kiểm sát mới xác định tình tiết tăng nặng này.
Cụ thể, Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo là Giám đốc, Phó Giám đốc các trung tâm; Trưởng chuyền các trung tâm đăng kiểm 50-03V, 50-06V và cơ sở Hồng Hà của Trung tâm 50-05V; tất cả trưởng chuyền và đăng kiểm viên cơ sở An Phú Đông của Trung tâm 50-06V; tất cả Ban Giám đốc, trưởng chuyền và đăng kiểm viên Trung tâm 50-07V đều phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần do mỗi lần nhận tiền, số tiền đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các bị cáo còn lại không phải chịu tình tiết này.
Đối với tình tiết tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng theo điểm t, khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự mà rất nhiều luật sư đề nghị áp dụng cho các bị cáo, Viện Kiểm sát cho rằng, để được áp dụng tình tiết này, các bị cáo phải thực sự có các hành vi giúp cơ quan tố tụng giải quyết nhanh chóng vụ án như hỗ trợ đối chiếu số liệu, sổ sách; hỗ trợ các điều tra viên xác định lỗi theo các hồ sơ; khai báo đầy đủ nội dung làm rõ hành vi phạm tội của người khác… Còn đối với những bị cáo chỉ khai báo rõ hành vi của chính mình, thì Viện Kiểm sát chỉ đề nghị áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự đối với các bị cáo.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác, Viện Kiểm sát đã thận trọng xem xét, đánh giá để áp dụng cho tất cả các bị cáo, tuy nhiên, nếu còn trường hợp nào Viện Kiểm sát chưa nhận định hoặc có nhận định nhưng ở phần đề nghị chưa áp dụng cho các bị cáo, mà có căn cứ, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử áp dụng để xem xét, cân nhắc và quyết định khi lượng hình.
Về mức đề nghị trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, Viện Kiểm sát nêu quan điểm nhất quán của việc xét xử là nghiêm trị đối với các bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, chối tội và giảm nhẹ, khoan hồng đối với các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Đây là vụ án được điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng phạm tội khác nhau. Mỗi nhóm đối tượng lại có đặc thù diễn biến hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt, số tiền chịu trách nhiệm hình sự khác nhau. Viện Kiểm sát đã hết sức cân nhắc khi đề nghị mức án; đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng đối với các bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, bản thân các đăng kiểm viên, bản thân lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng: Thực tế ngành đăng kiểm trong giai đoạn này còn nhiều bất ổn, còn tồn tại nhiều vấn đề vi phạm mang tính hệ thống mà bản thân bị cáo không thể thay đổi và cũng không thể từ chối thực hiện công việc dẫn đến sai phạm, không nên đổ lỗi cho người khác.
Trong tình hình đó, Viện Kiểm sát rất chia sẻ về hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo khi đây đã là tệ nạn được thực hiện từ trước; các bị cáo có thể do nhận thức, có thể do hoàn cảnh gia đình nên sợ bị mất việc; sợ lãnh đạo… nên cũng đã có phân hóa vai trò đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, việc một số bị cáo lợi dụng yếu tố hoàn cảnh mà cho rằng mình không phạm tội, việc làm của mình là đúng đắn thì không thể chấp nhận được.