Những cách nhận tiền chủ xe của các trung tâm đăng kiểm
Hành vi nhận tiền hối lộ của nhóm bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm đã được làm rõ trong quá trình thẩm vấn của phiên tòa xét xử hai cựu cục trưởng Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình và 252 người về loạt tội danh tham nhũng.
Quá trình xét xử, các bị cáo thuộc 4 trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm quản lý) và 7 trung tâm đăng kiểm khối D (tư nhân) đã thừa nhận hành vi, cách thức nhận hối lộ được nêu trong cáo trạng.
Nhá đèn ám hiệu
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, cơ quan công tố xác định, Giám đốc Nguyễn Thanh Long cùng hai cấp phó đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đăng kiểm từ khoảng tháng 8/2016.
Các bị cáo thống nhất số tiền nhận hối lộ đối với các phương tiện đưa vào trung tâm cụ thể là: ôtô con dưới 9 chỗ lấy từ 100.000 đến 150.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe 16 đến 45 chỗ số tiền là 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe tải trên 5 tấn và xe đầu kéo số tiền nhận hối lộ là 300.000 đồng/xe/lượt.
Khi vào Trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để sẵn tiền thì sẽ bật đèn chiều sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Đến công đoạn 3, đăng kiểm viên sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm nhận tiền rồi đưa lại cho trưởng chuyền hoặc trưởng chuyền trực tiếp nhận. Nếu trên xe không để sẵn tiền hối lộ thì đăng kiểm viên vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm để các đăng kiểm viên trong chuyền biết nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt.
Trong thời gian này, tiền nhận hối lộ từ các chủ xe được các bị cáo chi sử dụng cho hoạt động của trung tâm, còn lại chia nhau chiếm hưởng. Đến tháng 8/2018, để có tiền tiếp khách và đưa hối lộ cho hai đời Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, Long chỉ đạo trích một phần "tiền cứng" hàng tháng chi cho cấp trên và giao chỉ tiêu cho các truyền.
Tổng cộng, từ tháng 8/2018 tháng 10/2022, Trung tâm đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 18,8 tỷ đồng. Trong đó, chi cho Cục trưởng Đặng Việt Hà 234 triệu đồng, Trần Kỳ Hình hơn 250 triệu đồng (tương đương 11.000 USD). Hàng tháng khi ra Cục Đăng kiểm Việt Nam dự họp giao ban, ông Long đổi tiền ra USD bỏ sẵn vào phong bì đưa trực tiếp cho Đặng Việt Hà tại phòng làm việc.
Tương tự, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, từ năm 2014, khi ông Nguyễn Đình Quân đưa ra chủ trương nhận hối lộ thì các đăng kiểm viên tại các chuyền kiểm định thống nhất phân công cho nhóm phụ trách công đoạn một sẽ nhận tiền từ người đi đăng kiểm.
Cụ thể, đăng kiểm viên công đoạn một sẽ lên cabin kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá... hay không. Nếu có thì đăng kiểm công đoạn một sẽ lấy hoặc nhận trực tiếp từ người đi đăng kiểm. Sau đó, các đăng kiểm viên sẽ thông báo cho nhau biết quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiền.
Ngoài ra, các đăng kiểm viên còn móc nối với các đối tượng môi giới thường là chủ hoặc nhân viên các xưởng sửa xe để nhận tiền hối lộ. Tiền hối lộ nhận được trưởng chuyền tổng hợp đến cuối ngày chia theo tỷ lệ đã quy ước và chung chi cho lãnh đạo Cục.
Bố vợ của Chủ tịch đứng ra nhận tiền 'bồi dưỡng'
Là một trong những trung tâm đăng kiểm thuộc khối tư nhân, Trung tâm 50-13D thuộc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bình Chánh, thành lập năm 2017. Trong gần 5 năm hoạt động, trung tâm này qua 4 đời Chủ tịch HĐQT gồm: Phạm Thanh Phong, Văn Công Phong, Nguyễn Hoàng Khánh và Cao Thành Hiệp.
Khoảng tháng 10/2019, Nguyễn Hoàng Khánh, thành viên HĐQT của trung tâm này đã đưa cha vợ là Lê Văn Nguyên vào làm phụ bán căn tin. Khánh chỉ đạo Ban giám đốc trung tâm và các đăng kiểm viên để cha vợ trực tiếp nhận tiền hối lộ từ chủ xe, tài xế, "cò" đăng kiểm để bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn.
Khi phương tiện đến đăng kiểm phát hiện có lỗi không đạt tiêu chuẩn thì các đăng kiểm viên hoặc nhân viên thực tập sẽ ghi nhận các lỗi rồi báo lại cho trưởng chuyền. Nếu các lỗi có thể bỏ qua được thì trưởng chuyền đưa giấy ghi nhận các lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện cho đăng kiểm viên hoặc nhân viên thực tập ở cuối chuyền để đưa lại cho ông Nguyên.
Ông Nguyên trực tiếp thỏa thuận với chủ phương tiện, tài xế, "cò" đăng kiểm yêu cầu chủ xe, tài xế và "cò" phải đưa tiền hối lộ cho mình với các mức giá từ 100.000 đồng đến 600.000 tùy loại xe. Trung bình mỗi ngày, ông Nguyên nhận 3-12 triệu đồng. Cuối tháng, Nguyên thống kê số tiền thu được chia cho các đăng kiểm viên, trung bình 3-8 triệu/người/tháng, nhân viên khác 1-2 triệu đồng.
Việc nhận tiền hối lộ ở các trung tâm khác cũng được thực hiện tương tự với các cách trên.
Phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 6/8 sẽ bước sang phần tranh luận, VKS phát biểu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Đây là vụ án có số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến tháng 10.