|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VSSA: cuối năm, giá đường vẫn ổn định

22:00 | 08/12/2016
Chia sẻ
Giá đường trên thị trường trong tháng 11 đã tăng so với tháng trước đó, tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ ổn định do nguồn cung từ các nhà máy dồi dào.
vssa cuoi nam gia duong van on dinh
Vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy. Ảnh: NH

Như thường lệ, vào tuần đầu tiên của mỗi tháng, VSSA có báo cáo nhận định về tình hình sản xuất, kinh doanh đường của tháng trước và dự báo cho những tuần tiếp theo. Lần này, trong báo cáo tháng 11-2016 của VSSA, hiệp hội cho biết, tháng 11 giá đường bán trên thị trường dao động trong khoảng 16.600-17.300 đồng/kg với đường kính trắng và 17.200-17.800 đồng/kg với đường tinh luyện. So với tháng 10, giá bán buôn đường trên thị trường tăng nhẹ, khoảng 100-200 đồng/kg.

Theo VSSA, tính đến ngày 2-12, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là gần 170.000 tấn, tại các công ty thương mại là gần 3.500 tấn. Còn trong tháng 12, sản lượng đường sản xuất trong nước cung cấp cho thị trường vào khoảng 250.000 tấn và tháng 1-2017 vào khoảng 300.000 tấn.

Như vậy, nguồn cung là khá lớn so với nhu cầu trung bình trong những tháng cuối năm vào khoảng 130.000-140.000 tấn/tháng, bảo đảm dư thừa để cung ứng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Ngoài nguồn cung ổn định, một yếu tố nữa khiến giá đường trên thị trường nội địa những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 được dự báo là ổn định, là do giá đường trên thị trường thế giới giao kỳ hạn có chiều hướng chững lại và giảm nhẹ.

Nguyên nhân là sản lượng đường của Brasil, Ấn Độ tăng so với dự báo trước đó, trong khi đó, một quốc gia sản xuất đường lớn của thế giới là Thái Lan cũng bắt đầu vào vụ ép mới nên sức ép về nguồn cung đường của thế giới không quá căng thẳng. Đây là những yếu tố giúp ổn định giá đường trong thời gian tới.

Theo VSSA, chính vì giá đường bán ra không tăng nên giá mua mía nguyên liệu của nông dân sẽ ổn định và dao động ở mức trên dưới 1,1 triệu đồng/tấn.

Ngọc Hùng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.