|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vòng luẩn quẩn nợ nần giữa Trung Quốc và lục địa đen vì COVID-19

02:12 | 01/10/2020
Chia sẻ
COVID-19 gây tổn thất cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi, đẩy Trung Quốc tới nguy cơ không đòi được nợ từ các nền kinh tế đã khánh kiệt sau đại dịch.

SCMP đưa tin, mới đây giới chức Zambia đề nghị Trung Quốc tạm hoãn trả nợ thêm 6 tháng đối với khoản vay trái phiếu nước ngoài trị giá 3 tỉ USD mà họ đã vay trong các dự án xây dựng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bộ Tài chính Zambia thừa nhận đất nước đang đối mặt với tình hình kinh tế và tài chính vô cùng ngặt nghèo và họ cần thêm thời gian để thống nhất kế hoạch tái cơ cấu. 

Quốc gia phía nam châu Phi đã nỗ lực vay 1,3 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đã yêu cầu gia nhập Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ G20 (DSSI). Mặt khác, họ cũng tiến hành thương lượng hoãn nợ với các chủ đầu tư cá nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh và Lusaka đang đàm phán. “Chúng tôi hiện tham gia vào các cuộc thảo luận thân thiện với Zambia và Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ Zambia vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Bản thân Trung Quốc cũng khốn đốn khi các nước vay tiền túng quẫn. Giới phân tích nhận định Trung Quốc, với tư cách chủ nợ cá nhân lớn nhất Zambia, sẽ chịu áp lực tái cơ cấu các khoản vay khá lớn. 

Vòng luẩn quẩn nợ nần giữa Trung Quốc và lục địa đen vì COVID-19 - Ảnh 1.

Công nhân Zambia làm đường cho một doanh nghiệp Trung Quốc ở Zambia. (Ảnh: Lusaka Times)

Bắc Kinh đã nhiều lần tái cấu trúc hoặc xóa nợ cho các quốc gia châu Phi khác như Congo, Sudan và Ethiopia bởi những nước này không có khả năng trả nợ.

Để thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã tài trợ hàng trăm tỉ USD cho các quốc gia châu Phi xây dựng đường sá, hệ thống đường sắt và nhà máy thủy điện trên khắp châu lục. 

Đột nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, gây tổn thất cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi, đẩy Trung Quốc tới nguy cơ không đòi được nợ từ các nền kinh tế đã khánh kiệt sau đại dịch.

Mark Bohlund, chuyên gia phân tích tín dụng tại công ty Redd Intelligence, chỉ ra rằng Zambia vay nặng lãi từ Trung Quốc và các bên cho vay thương mại khác. Hiện tại, Trung Quốc nắm xấp xỉ 50%, tức khoảng 6,5 tỉ USD trong tổng số 11,2 tỷ USD nợ nước ngoài của Zambia.

Nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, từ năm 2000 đến 2018 chính quyền Zambia đã vay 9,7 tỉ USD để xây các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, cầu cống, đập thủy điện và sân bay. Phần lớn khoản vay đến từ Trung Quốc. 

Zambia từng kêu gọi cứu trợ tài chính từ IMF từ năm 2014 nhưng không thành vào năm 2018 sau khi IMF nhận định Lusaka vay nhiều nhưng không có khả năng trả nợ.

Không bỏ cuộc, Zambia tiếp tục cầu cứu Bắc Kinh trong bối cảnh doanh thu khai thác đồng giảm nghiêm trọng. Quặng đồng chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia phía nam châu Phi. 

Vòng xoáy nợ bao vây Zambia trong nhiều năm qua vì các chính sách chính trị thiếu bền vững chi phối nền kinh tế.

"Có thể Trung Quốc sẽ hoãn nợ cho Zambia, nhưng họ sẽ không đồng ý xóa nợ trừ khi Zambia giảm các khoản vay thương mại. DSSI đã đồng ý cho Zambia gia nhập vào tháng trước. Trung Quốc cũng là một thành viên của DSSI nên khả năng Trung Quốc sẽ đồng ý hoãn nợ khá lớn", ông Mark Bohlund dự báo.

Charles Robertson, chuyên gia kinh tế toàn cầu của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, dự báo Trung Quốc có thể sẽ “chịu thêm cú hích" đối với các khoản vay của châu Phi. 

Trước Zambia, Trung Quốc từng phải tái cơ cấu nợ cho các quốc gia châu Phi khác - gồm Ethiopia - và thêm một khoản vay khác có thể trở thành nợ khó đòi từ Angola.

Một nguồn tin tiết lộ với SCMP rằng Bắc Kinh đã nhận hơn 20 yêu cầu hoãn nợ từ khi DSSI được thông qua, và nền kinh tế lớn nhất châu Á đã đạt thỏa thuận với hơn 10 quốc gia.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nhạc Phong

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.