'Vòng luẩn quẩn' của nhiệt độ cao và nhiên liệu hóa thạch - Bài 1: Đâu là lối thoát?
Theo báo Japan News, trong khi các đợt nắng nóng kỷ lục đang thiêu đốt Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác, nhiên liệu hóa thạch lại đang được hưởng lợi.
Công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa S&P Global Commodity Insights cho biết tiêu thụ khí đốt để sản xuất điện tại Mỹ đã lập mức cao kỷ lục trong tuần này để đáp ứng nhu cầu của thiết bị điều hòa nhiệt độ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tại Trung Quốc, các nhà máy điện đang đốt nhiều than hơn để đáp ứng nhu cầu điện, khiến nước này tiến tới trở thành quốc gia phát thải nhiều CO2 nhất thế giới trong năm nay.
Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện đang nuôi dưỡng cái IEA mô tả là “vòng luẩn quẩn” làm tăng nhiệt độ thế giới. Khi các đợt nắng nóng ngày càng nhiều và khắc nghiệt hơn, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch cũng lớn hơn và làm tăng thêm lượng khí thải nhà kính vốn là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ cực đoan trên khắp thế giới.
Các mạng lưới điện trên thế giới vẫn còn quá phụ thuộc vào khí đốt và than đá. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực của các chính phủ trong việc giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bất chấp những cam kết về khí hậu, các chính phủ phải đối mặt với yêu cầu cấp bách là ngăn chặn tình trạng mất điện và bảo vệ con người khỏi các điều kiện thời tiết cực đoan.
Ông Jason Bordoff, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ ngày càng cao hơn khi nhu cầu làm mát tăng lên.
Vấn đề này có thể trầm trọng hơn khi những người nghèo trên thế giới cũng tăng cường hệ thống làm mát. IEA tuần trước cho hay chỉ 1/10 trong số 2,8 tỷ người sống ở những khu vực nóng nhất trên thế giới đã có điều hòa nhiệt độ.
Do đó, có nguy cơ hữu hình về khả năng gia tăng nhu cầu năng lượng mới và lượng khí thải nhà kính ở các nước đang phát triển.
Hồi tháng Ba, IEA cho biết năm 2022, gần 1/5 lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng lên là do nhu cầu năng lượng tăng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Báo cáo của cơ quan này về lượng khí CO2 đã kết luận rằng các đợt nắng nóng mùa Hè là lý do chính khiến Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã không giảm được lượng khí thải của họ trong năm. Tại Mỹ, tiêu thụ khí đốt để làm mát các tòa nhà tăng cao khi nhu cầu điện lên đến đỉnh điểm.
Tổ chức Khí tượng Thế giới tuyên bố tháng Bảy là tháng nóng nhất được ghi nhận và xu hướng của năm ngoái đang tái xuất hiện.
Thời tiết nóng bức của mùa Hè đang tấn công các khu vực của Mỹ, khiến nhu cầu khí đốt tại các nhà máy điện của nước này ngày 26/7 phá vỡ kỷ lục được thiết lập chỉ một năm trước - và sau đó lại phá kỷ lục này vào ngày 27/7, tăng 3,6% trong một ngày lên hơn 52 tỷ feet khối, theo S&P Global Commodity Insights. Ước tính sơ bộ cho thấy mức sử dụng vào ngày 28/7 có khả năng cao thứ hai từ trước đến nay.
Kể từ cuối tháng 5/2023 ở Trung Quốc, nắng nóng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh ở một số khu vực ven biển đông dân cư nhất của Trung Quốc. IEA cho biết nhu cầu than của Trung Quốc đã tăng hơn 5% trong nửa đầu năm nay.
Nhu cầu than trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 1,5% so với mức kỷ lục của năm ngoái. Cơ quan này chỉ ra việc sử dụng than có thể sẽ giảm vào cuối năm, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào thời tiết.
IEA nhận xét khoảng 10 quốc gia chứng kiến nhu cầu điện lập kỷ lục trong hai tháng qua. Các nhà phân tích của Goldman Sach cho biết các nước đó có Ấn Độ - nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới và Nhật Bản - quốc gia đang sử dụng khí đốt để đối phó với nhiệt độ nóng nực của mùa Hè.
Ông Robbie Orvis, Giám đốc cấp cao về thiết kế chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Energy Innovation, cho rằng: “Nếu chúng ta không tăng tốc sử dụng năng lượng sạch,... điều này sẽ tiếp tục xảy ra và sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Nhiên liệu hóa thạch không phải là lối thoát”.
Tiếp theo: “Vòng luẩn quẩn” của nhiệt độ cao và nhiên liệu hóa thạch - Bài cuối: Cần mọi công cụ sẵn có