|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn ngoại tiếp tục hướng về thị trường bảo hiểm Việt

22:15 | 31/12/2018
Chia sẻ
Với tiềm năng phát triển lớn, thường duy trì mức tăng trưởng 2 con số những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang đón nhận dòng vốn mới từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, bên cạnh dòng vốn từ châu Âu, Mỹ, Nhật…
von ngoai tiep tuc huong ve thi truong bao hiem viet

Vốn ngoại tiếp tục hướng về thị trường bảo hiểm Việt. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 21/12 vừa qua, Bảo hiểm Vietinbank (VBI) đã ký kết hợp đồng bán 25% vốn điều lệ (tương đương hơn 16 triệu cổ phần) cho Hyundai Marine & Fire Insurance Company Limited (HMFI) - công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc.

Trước đó, năm 2017, Samsung Fire & Marine Insurance (SMFI) đã mua 20% cổ phần của Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO).

Được biết, ngoài các thương vụ trên, công ty bảo hiểm lớn thứ 4 của Hàn Quốc là KB Insurance (thuộc Tập đoàn Tài chính KB) cũng đã "đánh tiếng" muốn mua lại 17% cổ phần của Bảo hiểm Bảo Minh.

Theo bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) - đơn vị tư vấn cho VBI và PJICO, một trong những nguyên nhân giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam thu hút dòng vốn Hàn Quốc là nhờ đà tăng trưởng vững chắc của thị trường những năm gần đây, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Dẫn chứng số liệu từ Bộ Tài chính, bà Ngọc cho biết năm 2018, doanh thu bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 151.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2017; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 390.717 tỷ đồng, tăng 24%; tổng số tiền đầu tư ước đạt 324.644 tỷ đồng, tăng 31%. Riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chỉ trong 3 năm (2016-2018), vốn chủ sở hữu tăng bình quân 30%/năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 30%/năm.

“Các con số trên cho thấy nền tảng tăng trưởng ổn định và dư địa phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trên cơ sở dân số đông, trẻ và nhu cầu bảo hiểm ngày một tăng”, bà Ngọc nói.

Một nguyên nhân khác, theo bà Ngọc, đó còn là "khẩu vị đầu tư" của nhà đầu tư Hàn Quốc, bởi quốc gia này luôn nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất vào Việt Nam những năm qua.

"Hàn Quốc đang thực hiện chính sách 'hướng Nam', trong đó Việt Nam là một trong những địa chỉ đầu tư ưa thích, là bàn đạp để tiếp cận thị trường ASEAN", bà Ngọc nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2018, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2, sau Nhật Bản với 3,4 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 21,6% vốn đăng ký cấp mới.

Chia sẻ thêm về sức hút của thị trường bảo hiểm Việt đối với dòng vốn ngoại, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết trong giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại các hội nghị này, các vấn đề về chính sách, môi trường kinh doanh và tiềm năng của thị trường bảo hiểm đã được giới thiệu và bàn luận, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.

"Trước giai đoạn 2015-2018, doanh thu thị trường tăng trưởng ở mức dưới 18%. Sau các hội nghị xúc tiến đầu tư, doanh thu liên tục duy trì đà tăng trưởng trên 20%/năm. Riêng nguồn vốn chủ sở hữu (vốn đầu tư vào Việt Nam) tăng gần gấp đôi (1,74 lần), từ 45.157 tỷ đồng năm 2015 lên 78.584 tỷ đồng năm 2018; vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 2 lần, từ 160.258 tỷ đồng năm 2015 lên 324.644 tỷ đồng năm 2018.

Những con số này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, góp phần tạo lực đẩy cho thị trường phát triển nhanh, bền vững", ông Khánh nói.

Để giữ chân cũng như tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại, theo các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần tăng cường minh bạch thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về tài chính, pháp lý, hoạt động kinh doanh, bên cạnh các yếu tố nền tảng như cơ chế quản trị doanh nghiệp lành mạnh, có định hướng, chiến lược rõ ràng...

“Các nhà đầu tư lớn rất chú trọng tới yếu tố minh bạch, chính xác và đầy đủ của thông tin được cung cấp. Cụ thể là trong mỗi thương vụ M&A hay phát hành riêng lẻ, việc đưa ra phương án sử dụng vốn, chiến lược kinh doanh chi tiết là rất quan trọng đối với nhà đầu tư trong việc định giá doanh nghiệp và đánh giá tính hiệu quả của thương vụ đầu tư...”, bà Ngọc nói.

Xem thêm

Kim Lan

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.