|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn hóa nhóm ngân hàng tăng hơn 21.000 tỉ đồng trong phiên NHNN thông báo giảm lãi suất

07:28 | 15/09/2019
Chia sẻ
Vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết đã tăng hơn 21.280 tỉ đồng trong phiên giao dịch 13/9. Trong đó, riêng vốn hóa Vietcombank tăng hơn 8.900 tỉ lên mức kỉ lục 303.757 tỉ đồng.
Vốn hóa các ngân hàng tăng hơn 21.000 tỉ đồng trong ngày NHNN cắt giảm lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Thời báo ngân hàng)

Ngày 13/9, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch bùng nổ sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát đi thông báo cắt giảm 0,25 điểm % các loại lãi suất điều hành từ ngày 16/9.

Chốt phiên ngày ngày thứ Sáu, VN-Index tăng 1,14% lên 987,22 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/7; VN30-Index tăng 1,2% lên 905,1 điểm. Thanh khoản thị trường tăng 20% so với phiên 12/9 khi đạt 3.334 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào việc kéo thị trường tăng khi có tới 16/18 mã tăng giá, 2 mã đứng giá là EIB và KLB. Riêng cổ phiếu VCB tăng 3% đóng góp 2,63 điểm vào cho đà tăng của VN-Index; BID tăng 3,1% đóng góp 1,21 điểm.

Xét về mức tăng giá, CTG là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong ngày giao dịch 13/9 (tăng 3,5%). Tiếp theo là TCB (3,2%), VCB (3%), LPB (2,7%), VIB (2,3%) và STB (2%). Ngoài ra, một số mã khác cũng tăng mạnh trên 1% như ACB, SHB, TPB, HDB…

Sự bùng nổ trong phiên ngày cuối tuần đã giúp tổng vốn hóa thị trường của 18 ngân hàng đang niêm yết đạt hơn 872.076 tỉ đồng, tăng hơn 21.280 tỉ đồng (tương ứng 2,5%) so với ngày 12/9. Trong đó, vốn hóa Vietcombank tăng mạnh nhất (8.900 tỉ đồng) và đạt kỉ lục 303.757 tỉ đồng.

Tương tự, vốn hóa của một số ngân hàng khác cũng tăng hàng nghìn tỉ đồng như BIDV (tăng 4.100 tỉ đồng), Techcombank (tăng 2.450 tỉ đồng), VietinBank (tăng 2.600 tỉ đồng)...

Vốn hóa nhóm ngân hàng tăng hơn 21.000 tỉ đồng trong phiên NHNN thông báo giảm lãi suất - Ảnh 2.

Nguồn: PV tổng hợp

Mặc dù thị trường chứng khoán đoán nhận thông tin cắt giảm lãi suất khá tích cực nhưng giới phân tích vẫn đưa ra quan điểm thận trọng về động thái mới nhất của nhà điều hành.

Trong báo cáo cập nhật thị trường ngày 13/9, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tác động của việc giảm các loại lãi suất tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...

BVSC cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam hướng mục tiêu trực tiếp vào khối lượng cung tiền, thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2, không như Fed hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, không vay được thông qua kênh liên ngân hàng mà phải tìm đến NHNN.

Thực tế, đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 cũng gần như có tác động rất ít đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Theo BVSC, việc NHNN ra quyết định cắt lãi suất mang tính chất định hướng và tâm lí là chủ yếu, còn việc có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với BVSC, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng mặc dù NHNN thông báo cắt giảm các loại lãi suất điều hành tuy nhiên dòng tiền được bơm thực tế ra thị trường có thể thấp hơn hoặc không đột biến như kì vọng. 

Việc cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng thường chỉ vận động theo điều hành tiền tệ khi thanh khoản gặp khó khăn trên kênh liên ngân hàng.

"Thị trường đón nhận thông tư này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. Tuy nhiên, tín hiệu cần theo dõi nhất vẫn sẽ là cung cầu của dòng tiền trên hệ thống tài chính thể hiện qua tăng trưởng M2 trong giai đoạn tới", BSC nhận định.

Theo BSC, nguyên nhân dẫn tới động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN là do bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất điều hành.

Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ tác động đến lãi suất Việt Nam thông qua kênh tỷ giá, cụ thể là đồng VND sẽ lên giá so với USD. Neo tỷ giá VND với USD sẽ khiến NHNN phải bán các tài sản bằng VND và mua vào các tài sản bằng USD để điều phối tỷ giá về mức hợp lí, cuối cùng cũng dẫn tới giảm lãi suất bằng VND.

Thêm nữa, NHNN giảm lãi suất cũng làm giảm tỷ giá giữa VND và đồng nhân dân tệ, tránh việc ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

Quốc Thụy

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.