Vốn hóa đại gia công nghệ Trung Quốc bốc hơi 35 tỉ USD sau lệnh cấm của ông Trump
Theo Bloomberg, lệnh cấm mới nhất của ông Trump khiến nhà đầu tư càng thêm lo lắng rằng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, kinh tế và thị trường chứng khoán. Nhầm lẫn ban đầu về phạm vi của lệnh cấm đã dẫn tới sự biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/8, có lúc Tencent đã lao dốc tới 10%.
Đóng cửa, Tencent vớt vát được một phần tổn thất nhưng vẫn giảm tới 5% so với phiên hôm trước sau khi quan chức Mỹ đính chính rằng sắc lệnh của ông Trump sẽ chỉ tác động đến công ty con là WeChat.
Câu chữ mập mờ trong tuyên bố chính thức về sắc lệnh đã làm dấy lên lo ngại rằng lệnh cấm không chỉ tác động tới dịch vụ tin nhắn và thanh toán của Tencent tại Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh với một số doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.
Tencent hợp tác với các nhà phát hành game hàng đầu nước Mỹ như Activision Blizzard và Electronics Arts. Tencent cũng sở hữu cổ phần lớn tại Epic Games và Riot Games - nhà phát triển game League of Legends.
Trước khi giá cổ phiếu lao dốc hôm 7/8, Tencent có giá trị thị trường 686 tỉ USD, đồng nghĩa gã khổng lồ công nghệ này là công ty lớn thứ 8 trên thế giới về vốn hóa, xếp trên cả Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett.
Qui mô cực lớn giúp Tencent có được vị thế đáng chú ý trên các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Tencent chiếm tỉ trọng hơn 6% chỉ số thị trường mới nổi MSCI và 4% chỉ số châu Á-Thái Bình Dương MSCI.
WeChat chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động giao tiếp giữa doanh nghiệp ở Trung Quốc và nước ngoài, do nhiều ứng dụng nhắn tin phổ biến của Mỹ như Whatsapp của Facebook bị cấm tại Trung Quốc.
Ông Steven Leung, Giám đốc UOB Kay Hian dự đoán trong tương lai, Tencent sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Ông Leung nói: "Tôi cho rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp nhắm vào Tencent. Kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của Tencent giờ hiện có chút không đáng tin cậy, vì một số thương vụ M&A sẽ gặp thách thức, đặc biệt nếu công ty mục tiêu là công ty Mỹ".