Vốn hóa của Vietcombank đã 'bốc hơi' hơn 72.000 tỷ đồng từ đầu tháng 7 tới nay
Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nhuốm "đỏ" trong khi toàn ngành phủ một màu xanh tăng giá.
Kết phiên giao dịch ngày 17/9, thị giá cổ phiếu VCB dừng ở mức 97.200 đồng/cp, tương đương giảm 0,92% trong phiên, khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu cổ phiếu.
Hiện tại, Vietcombank vẫn đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Tính theo mức giá 97.200 đồng/cp hôm nay, quy mô vốn hóa của Vietcombank đạt hơn 360.500 tỷ đồng, cao hơn 30.000 tỷ đồng so với doanh nghiệp đứng sau đó là Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC).
Tuy nhiên, cổ phiếu VCB đã có diễn biến không mấy khả quan trong hơn hai tháng trở lại, vốn hóa ngân hàng theo đó đã "bốc hơi" hơn 72.000 tỷ đồng.
Vào hồi tháng 6, khi nhóm ngành ngân hàng đang vào "sóng", giá cổ phiếu VCB từng đạt đỉnh kỷ lục 116.700 đồng/cp, tức cao hơn 20% so với hiện tại, vốn hóa tương đương đạt hơn 432.800 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đó đã được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng, triển vọng lợi nhuận sáng sủa cũng như dòng tiền ồ ạt từ "làn sóng" nhà đầu tư F0. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng có những "câu chuyện riêng" như tăng vốn, hợp tác với cổ đông chiến lược, ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền...
Trong đó, riêng Vietcombank từng được các công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận trước thuế năm nay có thể đạt trên 26.000 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD), tăng hơn 13% so với năm trước.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng cùng chống chọi và vượt qua đại dịch.
Triền vọng ngành ngân hàng theo đó cũng trở nên kém khả quan hơn. Ngay sau đó, cổ phiếu VCB nói riêng và hầu hết cổ phiếu ngân hàng nói chung đã điều chỉnh mạnh, một số mã ghi nhận giảm sàn nhiều phiên liên tiếp.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI Research đã hạ dự báo lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm nay xuống 8% còn 24.300 tỷ đồng do ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất cho vay.
Vietcombank gần đây đã thực hiện đợt giảm lãi suất thứ 8 bắt đầu từ ngày 18/8 kéo dài đến cuối năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khách hàng tín dụng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, ngân hàng cắt giảm lãi suất lên đến 0,5% mỗi năm cho tất cả các khoản dư nợ tại TP. HCM và tỉnh Bình Dương; cắt giảm lãi suất lên đến 0,3% mỗi năm đối với tất cả các khoản dư nợ tại 17 tỉnh miền Nam còn lại đang áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.
Do các biện pháp giãn cách xã hội có thể sẽ kéo dài hơn tại các tỉnh miền Nam, SSI Research cho rằng khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh. Giả định rằng tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của Vietcombank sẽ giảm 0,07 điểm % xuống 2,81% với chi phí tín dụng tăng 0,11 điểm % lên 1,22%.
Nhóm phân tích cho biết những yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ đối với giá cổ phiếu VCB bao gồm tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu thấp hơn dự kiến, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ được tái khởi động trong quý 4/2021 sau khi dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát. Rủi ro giảm giá là tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu cao hơn dự kiến.