|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa BIDV và PV GAS vượt lên trên Vingroup và Vinhomes, top 3 không còn cổ phiếu bất động sản

18:34 | 17/02/2023
Chia sẻ
Ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là VCB của Vietcombank, BID của Ngân hàng BIDV và GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam. Cổ phiếu VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes lần lượt lùi xuống vị trí số 4 và số 5 trên bảng xếp hạng vốn hóa.

Một dự án của Vingroup tại Phú Quốc. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổ phiếu bất động sản yếu thế, nhóm ngân hàng khả quan

Trong năm 2021 và 2022, top 3 vốn hóa của sàn HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung nằm chắc trong tay ba cổ phiếu VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes.

Đến năm 2023, VCB giữ vững phong độ dẫn đầu và hiện là cổ phiếu duy nhất có giá trị niêm yết trên 400.000 tỷ đồng, thậm chí là mã duy nhất trên 300.000 tỷ đồng.

Ngược lại, cặp cổ phiếu mẹ con VIC – VHM diễn biến kém khả quan hơn. Hiện nay cả hai đều thấp hơn khoảng 47% so với đầu năm 2022, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Trong khi đó, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng 22,5%, mã GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đi lên 8%.

Trong 10 phiên gần đây, cổ phiếu VHM đi ngang một phiên, giảm 7 phiên. VIC giảm 6/10 phiên vừa qua. 

Hệ quả từ việc giá các cổ phiếu VIC, VHM và BID, GAS biến động ngược chiều nhau là top 5 vốn hóa sàn HOSE (đồng thời là top 5 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam) có sự thay đổi lớn. VIC và VHM từ vị trí số 2 và 3 tụt xuống xếp thứ 4 và 5.

BID và GAS cùng nhau lọt vào top 3, chỉ sau VCB của Vietcombank.

5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE cũng là những mã vô địch toàn thị trường chứng khoán. Cổ phiếu có vốn hóa thứ 6 toàn sàn là ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, hiện đăng ký giao dịch ở UPCoM. 

Ngoài VCB và BID chia nhau hai vị trí cao nhất, trong top 10 vốn hóa còn có thêm một cổ phiếu ngân hàng khác là CTG của VietinBank.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từng có nhiều tháng liền trong năm 2021 và 2022 đứng thứ 4 toàn thị trường nhưng đến tháng 11/2022 đã có lúc rớt khỏi top 10 vốn hóa HOSE khi hàng loạt cổ phiếu ngành thép bị bán tháo.

Trong khoảng ba tháng gần đây, giá thép đã hồi phục một phần và cổ phiếu HPG cũng khởi sắc với mức tăng 74%, quay lại top 10 cổ phiếu lớn nhất HOSE.

Giá thép xây dựng D10 CB300 của Hòa Phát hiện nay là 15,84 triệu đồng/tấn, tăng 8,5% so với mức đáy hồi giữa tháng 12/2022. Hôm nay 17/2, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát thông báo tăng giá tôn mạ màu và tôn mạ lạnh thêm 500.000 đồng/tấn, giá tôn mạ kẽm thêm 300.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng từ ngày 22/2/2023.

Giá thép hồi phục từ đáy trong tháng 12/2022.

Top vốn hóa và thị giá

Trong top 10 vốn hóa HOSE còn một số tên tuổi lớn như VNM của Vinamilk, SAB của Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), và MSN của Tập đoàn Masan.

SAB hiện nay cũng là mã có thị giá cao thứ 3 toàn sàn HOSE, kết phiên 17/2 ở mức 187.100 đồng/cp và tương ứng với vốn hóa 120.000 tỷ đồng. Hai mã cổ phiếu trên sàn HOSE hiện có thị giá cao hơn SAB là VCF của Vinacafe Biên Hòa (262.900 đồng/cp) và GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (196.400 đồng/cp).

Trong đó, cổ phiếu GAB đã không có giao dịch liên tiếp từ 28/3/2022 cho đến nay và sắp sửa bị hủy niêm yết vì vi phạm nghĩa vụ nghĩa vụ công bố thông tin.

GAS, VCB và MSN là những mã cổ phiếu khác đồng thời có tên trong top 10 vốn hóa và top thị giá cao nhất sàn HOSE tại thời điểm hết phiên 17/2/2023.

Một gian hàng quảng bá sản phẩm của Sabeco - doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 10 sàn HOSE. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổ phiếu có giá cao nhất toàn bộ thị trường chứng khoán hiện nay là mã VNZ của Công ty cổ phần VNG. Sau khi lên thị trường UPCoM vào ngày 5/1 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, VNZ có 14 phiên liên tiếp không có thanh khoản. Từ 1/2 đến 15/2, cổ phiếu của công ty game này tăng kịch trần 11 phiên liên tục.

VNZ đóng cửa trong sắc đỏ vào phiên 16/2 và giảm kịch sàn phiên 17/2, nhưng thị giá vẫn đạt tới hơn 1,2 triệu đồng/cp.

Song Ngọc

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.