|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI tháng 1 tăng 48,6%, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu

14:30 | 05/02/2025
Chia sẻ
Trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng hơn 1,39 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Cụ thể, có 282 dự án đầu tư mới (giảm 6,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 1,29 tỷ USD (giảm 43,6%); có 137 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,6%), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,73 tỷ USD (gấp gần 6,1 lần); và có 260 giao dịch góp vốn mua cổ phần (giảm 12,2%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 322,9 triệu USD (tăng 70,4% ).

Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 71,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 98,8 triệu USD và 73,8 triệu USD.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 42,2% và số lượt dự án điều chỉnh vốn, chiếm 63,5%. Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần, chiếm 39,6%. 

 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất tháng 1/2025. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài)

Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng hơn 1,39 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ.

Đồng Nai đứng thứ hai với gần 959 triệu USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ. Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 716,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP HCM, Hải Phòng; Bình Dương;…

Xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 35,5%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 19%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 64,2%).

Trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,25 tỷ USD, chiếm hơn 28,9% tổng vốn đầu tư, gấp 13,4 lần cùng kỳ. Singapore đứng thứ hai với hơn 1,24 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, HongKong,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 19%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,4%).

Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ.

Ngọc Bảo

Lộ diện doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết sau mùa báo cáo tài chính 2024
Một trong những trường hợp hủy niêm yết phổ biến là công ty báo lỗ ba năm liên tiếp. Mùa báo cáo tài chính quý IV/2024 đã hé lộ những đơn vị đang gặp nguy cơ phải rời HOSE hay HNX.