Vốn đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Đông Nam Á giảm gần 10% trong năm 2022
Mặc dù các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu đã được chính phủ nhiều quốc gia đặt ra, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á khó có thể đạt được những mục tiêu này vào năm 2023. Để đạt được những mục tiêu này, Đông Nam Á sẽ cần giảm 33% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, theo một báo cáo của Bain and Company, Temasek, GenZero và Amazon Web Services giải thích.
Khối lượng các khoản đầu tư “xanh”, tức các khoản đầu tư liên quan tới các lĩnh vực vì môi trường, tiếp tục giảm ở Đông Nam Á, với mức giảm 7% xuống còn 5,2 tỷ USD vào năm 2022, mặc dù Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam gần đây đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí carbon ra môi trường.
Báo cáo nêu rõ rằng ba quốc gia gồm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam nằm trong số những quốc gia có lượng khí thải ra môi trường cao nhất ở Đông Nam Á, có nguy cơ không đạt được các mục tiêu về việc giảm phát thải khí carbon ra môi trường.
Theo báo cáo, để đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tính đến năm 2030, khu vực Đông Nam Á cần khoản đầu tư lũy kế lên tới 1.500 tỷ USD, theo thông tin được Tech in Asia tổng hợp.
Vốn đầu tư từ nước ngoài vào khu vực giảm là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này. Vốn đầu tư từ bên ngoài vào khu vực Đông Nam Á đã giảm 50%, trong khi đầu tư từ các quốc gia trong khu vực tăng gấp đôi. Hầu hết tổng số tiền đầu tư được rót vào khu vực Singapore và Indonesia, với lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm tới 75% số vốn đầu tư.
Với sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, các ngành năng lượng và nguyên vật liệu tự nhiên là khía cạnh quan trọng nhất trong nỗ lực giảm phát thải khí carbon ra môi trường của khu vực, chiếm 85% mục tiêu của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, việc phê duyệt cơ sở hạ tầng chậm và các quy định không rõ ràng là một trong những lý do khiến tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo trong khu vực không được phát huy hết. Đối với các giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm nông nghiệp bền vững, cũng như phục hồi và bảo vệ đất đai, khu vực Đông Nam Á cần hỗ trợ và thực thi tốt hơn các chính sách bảo tồn, theo báo cáo.
Nền kinh tế xanh có tiềm năng tạo ra tới 6 triệu việc làm trong các hoạt động vận hành, bảo trì, xây dựng và lập kế hoạch cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất năng lượng sạch vào năm 2030 tại khu vực Đông Nam Á.