|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn đầu tư mạo hiểm thông dòng

16:23 | 21/02/2024
Chia sẻ
Do Ventures dự báo môi trường đầu tư mạo hiểm đang ấm dần lên.

DealStreetAsia đưa tin Do Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đang tìm cách tăng cường các khoản rót vốn trực tiếp. Trong đó, mục tiêu là đầu tư vào 5-8 công ty khởi nghiệp tới cuối năm nay.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập kiêm Đối tác Do Ventures nói với DealStreetAsia: “Việc điều chỉnh giá trị thị trường mang lại cơ hội tốt cho các khoản đầu tư kế tiếp. Quỹ của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào các công ty đã chứng tỏ được kết quả khả quan trong giai đoạn tăng trưởng của họ”.

Được thành lập bởi doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm thế hệ đầu gồm Nguyễn Mạnh Dũng và Lê Hoàng Uyên Vy vào năm 2020, Do Ventures đã ra mắt quỹ đầu tiên trị giá 50 triệu USD với những nhà tài trợ đáng chú ý như Naver, Vertex, Sea và các bên khác. 

Cho đến nay, quỹ này đã được triển khai 50%, đầu tư vào 15 doanh nghiệp, bao gồm startup công nghệ giáo dục Vuihoc, fintech Validus và MFast, công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm Cooky và gần đây nhất là startup fintech Advance của Philippines vào tháng 3/2023.

Năm ngoái, Do Ventures đã thực hiện các khoản đầu tư tiếp theo vào Vuihoc và MFast.

 Ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy. (Ảnh: DealStreetAsia).

Gần đây, các công ty đầu tư mạo hiểm khu vực đã tăng cường phân bổ vốn giai đoạn tiếp theo.  Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên trị giá 140 triệu USD của tập đoàn Northstar đang tìm cách giải ngân khoảng 1 triệu USD cho vòng gọi vốn ban đầu nhưng sẽ tăng quy mô lên 10-15 triệu USD cho các vòng tiếp theo.

Tương tự, công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ khí hậu Wavemaker Impact có trụ sở tại Singapore, vừa hoàn thành quỹ trị giá 60 triệu USD vào tháng 12 năm ngoái. Wavemaker Impact cho biết nguồn vốn mới cho phép họ mở rộng danh mục đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện các thương vụ tiếp theo vào những lĩnh vực tốt nhất của mình.

Năm 2023 môi trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chứng kiến sự suy thoái, tương tự những diễn biến trong khu vực. Song bà Vy vẫn lạc quan vào triển vọng thị trường năm nay với việc xuất hiện nhiều quỹ và nhà đầu tư.

Số lượng nhà đầu tư đã tăng lên với những người mới tham gia, đặc biệt là những nhà đầu tư đến từ Trung Quốc có quan hệ với Mỹ, đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ và quan tâm đến Đông Nam Á. 

Nhà sáng lập Do Ventures cho rằng thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi khi nhiều Family Offices (văn phòng gia đình - công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao) trước đây thường bỏ qua thị trường trong nước thì giờ đang mong muốn tìm kiếm nhiều cơ hội hơn.

Với kế hoạch đầu tư vào khoảng 5-8 startup trong năm nay, Do Ventures lạc quan về triển vọng đầu tư và đang hướng đến các lĩnh vực như thương mại điện tử, phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS), edtech và healthtech.

Trong bối cảnh áp dụng trí tuệ nhân tạo đang sôi sục hiện nay, bà Vy nhấn mạnh tầm quan trọng của tính khả thi về tài chính và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào theo xu hướng AI.

Ngoài các khoản đầu tư thường xuyên, Do Ventures còn rất quan tâm đến công nghệ khí hậu vì Việt Nam gần đây đã công bố kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cơ hội đáng chú ý để Do Ventures đầu tư vào các công ty ưu tiên bảo vệ môi trường và sở hữu tầm nhìn xanh.

Dù đã giải ngân hơn 50% số vốn nhưng bà Vy cảm thấy đây chưa phải là thời điểm thích hợp để quỹ rút lui vì quy mô thị trường vẫn còn bé trong những năm tới.

“Ngoài ra, nhiều quỹ hiện đang tập trung vào việc tăng cường huy động vốn để tạo điều kiện hợp nhất thị trường. Lĩnh vực y tế và giáo dục dự kiến sẽ chứng kiến sự hợp nhất đáng kể. Tuy nhiên, thời điểm và định giá của các giao dịch này là những yếu tố cần xem xét”, bà nói.

Bà Vy cũng chỉ ra một số khoảng trống đáng chú ý trên thị trường mạo hiểm Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chẳng hạn như việc thiếu nguồn vốn cho vòng Series B. Bà cho biết, rất ít quỹ nội địa đầu tư vào giai đoạn này và ngay cả các quỹ khu vực cũng tương đối hiếm.

Trong số các lĩnh vực có triển vọng, bà Vy tin lĩnh vực edtech thể hiện tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Lãnh đạo Do Ventures nói quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của hệ thống giáo dục Việt Nam đang diễn ra thuận lợi và mang lại nhiều cơ hội.

 “Lĩnh vực edtech của Việt Nam có tiềm năng đón nhận các công ty tạo ra doanh thu hàng năm 100 triệu USD trong thời gian dài”, bà nói thêm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm này lưu ý một trong những trở ngại chính mà các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam phải đối mặt là sự cạnh tranh khốc liệt. 

Các công ty trong khu vực đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam, đẩy tính cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, các startup phải nắm bắt các yếu tố cạnh tranh và thực hiện các chiến lược phù hợp để tồn tại và phát triển.

Bà Vy kết luận với sự xuất hiện của nhiều công ty trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như công nghệ môi trường, sản xuất theo hợp đồng và các lĩnh vực khác, môi trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có tiềm năng to lớn và nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như các công ty khởi nghiệp bất chấp những hạn chế và thách thức.

Đức Huy