|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, đạt hơn 55.500 tỷ trong ba tháng

23:43 | 29/03/2021
Chia sẻ
Trong gần ba tháng đầu năm 2021 đã có tới hơn 55.500 tỷ đồng chảy vào thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch mỗi phiên cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Vốn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, đạt hơn 55.500 tỷ trong ba tháng - Ảnh 1.

Trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bloomberg).

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%.

Hoạt động mua bán cổ phiếu tăng mạnh và tập trung chủ yếu tại Sàn Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), dẫn tới tình trạng quá tải, nghẽn lệnh triền miên. Hệ thống của HOSE thường không tiếp nhận lệnh đặt của nhiều nhà đầu tư khi phiên khớp lệnh liên tục vẫn còn 30 - 60 phút mới kết thúc.

Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết tác động của tình trạng nghẽn lệnh đến các công ty chứng khoán (CTCK) là không giống nhau. Những công ty trong top 20 có thị phần lớn và có số lượng lệnh giao dịch nhiều nhất trên thị trường. Do vậy, các công ty lớn này cũng dễ gặp tình trạng quá tải sớm nhất. 

Ông Trà nói thêm: "Vấn đề này liên quan đến thiết kế và cơ chế phân bổ lệnh của hệ thống giao dịch hiện tại. Đội ngũ kỹ thuật của HOSE không thể can thiệp để thay đổi. Với các công ty chứng khoán nhỏ hơn, có lượng lệnh phân bổ từ đầu ngày còn chưa dùng hết thì họ vẫn có thể thực hiện giao dịch bình thường". 

Theo ông Trà, đây chính là lý do vì sao "Tình trạng nghẽn lệnh tại một số CTCK lớn đã xảy ra nhưng tại một số CTCK nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh và giao dịch bình thường".

Vốn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, đạt hơn 55.500 tỷ trong ba tháng - Ảnh 2.

Tình trạng nghẽn lệnh thường xảy ra với các công ty chứng khoán lớn như VNDirect, SSI, HSC, ... (Ảnh minh họa: Song Ngọc.

Tại ngày 19/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,3%). 

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài. 

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 khả quan hơn quý I/2021.

Song Ngọc