|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vốn 8 tỷ, Nhà xuất bản Trẻ lãi trên 10 tỷ mỗi năm

14:48 | 26/09/2016
Chia sẻ
Cho dù nhiều người vẫn phàn nàn về văn hóa đọc hoặc thói quen đọc sách của người Việt, vẫn không thể phủ nhận được ngành xuất bản sách có vẻ “ăn nên làm ra” với lượng ấn phẩm tăng lên hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Nhà xuất bản Trẻ (NXB Trẻ) không phải là ngoại lệ.

Là doanh nghiệp trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM, NXB Trẻ (Tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ) có vốn điều lệ chỉ ở mức 8 tỷ đồng, được duy trì qua nhiều năm. Thế nhưng, công ty này mỗi năm tạo ra trên 10 tỷ đồng lợi nhuận. Dù không phải là một con số lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận của NXB Trẻ khiến nhiều doanh nghiệp mơ ước.

Tiền mặt dồi dào

Từ năm 2012 đến 2015, vốn điều lệ của NXB Trẻ được giữ nguyên mức 8 tỷ đồng. Lợi nhuận mỗi năm của Công ty đều dễ dàng vượt qua con số đó. Tích lũy qua nhiều năm, vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến cuối năm 2015 đã đạt 44 tỷ đồng, trong đó 23,8 tỷ đồng là Quỹ đầu tư phát triển, 12,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chỉ 8 tỷ đồng là vốn điều lệ. Tình hình tài chính của NXB Trẻ khá lành mạnh với việc hầu như không sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, số dư tiền và tương đương tiền của NXB Trẻ luôn dồi dào, đều đặn ở con số trên 20 tỷ đồng. Số dư tiền của Công ty thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận đạt được hàng năm. Cuối năm 2015, số dư tiền của NXB Trẻ đạt 21,8 tỷ đồng.

Trong 3 khoản mục tài sản lớn nhất của NXB Trẻ, còn có khoản phải thu khách hàng 26,7 tỷ đồng và hàng tồn kho 69 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2015. Chỉ riêng 3 khoản mục nói trên đã chiếm tới 89% giá trị tổng tài sản của Công ty. Cơ cấu tài sản gọn nhẹ là một đặc điểm hết sức thú vị của đơn vị này.

Với cơ cấu tài sản gọn nhẹ, đơn giản, NXB Trẻ tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh chính là xuất bản các loại sách mà hầu như không “dòm ngó” sang lĩnh vực ngoài ngành nào. Kết quả kinh doanh ổn định có lẽ là một trong những thành tích mà NXB Trẻ nhận được khi tập trung kinh doanh.

 3215

Lợi nhuận và số dư tiền hàng năm (cuối năm) của NXB Trẻ (Đơn vị: Tỷ đồng)

Lấn sân mảng sách điện tử

Dự án Ybook của NXB Trẻ được khởi động từ giai đoạn 2009 - 2010 tuy nhiên lúc đó chưa thể tiến triển nhanh vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chính là chưa xác định được công nghệ bảo vệ bản quyền phù hợp và chiến lược tiếp cận thị trường. Ybook chính thức trở thành tên giao dịch của Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ, đơn vị thành viên của NXB Trẻ từ cuối năm 2012, bắt đầu đi vào hoạt động bán hàng từ thời gian này. Sách điện tử trở thành một xu thế không thể tránh được. NXB Trẻ đã tỏ ra khá nhạy bén với thời cuộc, đồng thời cũng không đi chệch mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Kết quả kinh doanh của NXB Trẻ không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được. Trong nhiều năm liền, Công ty đã duy trì mức thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần không dưới con số 12.500 đồng/CP.

Trong tình hình các nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rủ nhau lỗ hàng chục tỷ đồng, kết quả kinh doanh của NXB Trẻ lại càng đáng khích lệ. Theo một báo cáo gần đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, doanh thu 6 NXB của Bộ này chỉ đạt từ 2,5 - 5 tỷ đồng mỗi năm. Riêng NXB Văn hóa - Thông tin và NXB Âm nhạc có số lỗ lên tới 18 tỷ đồng, đồng thời mất toàn bộ vốn của Nhà nước tại đây.

Được biết, để tạo bộ mặt mới mẻ và năng động hiện nay, NXB Trẻ đã đưa ra sáng kiến in sách theo kế hoạch A (làm nhiệm vụ chính trị) và kế hoạch B (liên kết với tư nhân). Sáng kiến kế hoạch B được coi như con tàu phá băng khiến hoạt động xuất bản ở Công ty khởi sắc. Hầu hết các đầu sách nổi tiếng của NXB Trẻ đều là sách xuất bản theo kế hoạch B.

Trong giai đoạn cạnh tranh này, việc duy trì tỷ suất lợi nhuận khả quan sẽ là một thách thức lớn với không chỉ NXB Trẻ.

Theo Đan Nguyên

Báo Đấu thầu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.