VN-Index cán mốc 930 điểm, lịch sử 10 năm liệu có lặp lại?
Phiên giao dịch ngày 20/11 vừa qua, VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm, lặp lại lịch sử cách đây 10 năm vào những ngày cuối cùng năm 2007 và đầu tháng 1/2008. Khi đó, phiên giao ngày 4/1/2008, VN-Index đạt 903,09 điểm và là phiên giao dịch gần đây nhất VN-Index đạt mốc trên 900 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, VN-Index đạt 932,66 điểm, ngang với thời điểm 31/12/2007.
Hiện tại VN-Index đang trong giai đoạn tăng trưởng một cách mạnh mẽ trong khi thời điểm 10 năm về trước VN-Index bắt đầu đón nhận cơn khủng hoảng thực sự khi tụt dốc không phanh sau đó.
Biểu đồ chi số VN-Index từ năm 2007 đến nay (nguồn: VNDirect) |
Nhìn lại lịch sử, VN-Index lần đầu tiên đạt mốc 900 điểm vào năm 2007 khi thị trường vào thời điểm đó tăng nóng. Đây là năm của viêc bùng nổ các đợt IPO lớn. Điển hình là IPO của Tập đoàn Bảo Việt, Tổng CTCP Tài chính Dầu khí Việt Nam, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank. Trong đó, IPO của Vietcombank có ảnh hưởng lớn hơn cả và được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhất từ trước tới nay.
Giá khởi điểm mà Vietcombank đưa ra ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đấu giá thành công là 107.860 đồng/cổ phiếu, Vietcombank đã thu về khoảng 10.500 tỷ đồng. Đợt đấu giá vào cuối năm 2007 đánh dấu sự đi xuống chung của toàn bộ thị trường chứng khoán vào năm sau đó, khi VN-Index từ rơi từ 927 điểm xuống 315 điểm vào phiên giao dịch ngày 31/12/2008, giảm khoảng 66%. Đây cũng là năm mà chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay.
Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương VIệt Nam (Vietcombank) |
Nhìn kĩ hơn vào năm đó, trong hơn 6 tháng đầu năm 2008, VN-Index đã sụt giảm khoảng 60%. Nhiều phiên giảm điểm liên tiếp trong đó thời điểm từ tháng 5 đến giữa tháng 6/2008, VN-Index có chuỗi giảm liên tiếp khi từ 520 điểm xuống 370 điểm. Đà giảm này kéo dài đến khoảng tháng 3/2009 khi VN-Index chỉ còn giao động từ 260 - 290 điểm trước khi phục hồi sau đó.
Với mục đích ngăn đà suy giảm của thị trường, thời điểm đó Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phải vào cuộc. Trong tháng 3/2008, biên độ dao động giá của HSX được điều chỉnh hạ từ 5% xuống còn 1%, tại HNX được hạ từ 10% xuống 2%.
Kế đến, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được phép tham gia mua cổ phiếu bình ổn. Các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được vận động ngừng giải chấp trong khi các doanh nghiệp niêm yết được kêu gọi mua vào cổ phiếu quỹ.
Và đây cũng là năm "đen" của các công ty chứng khoán. Trong đó, Công ty Chứng khoán Asean giải thể dù chưa ra mắt chính thức, Công ty Chứng khoán Thái Sơn phải thanh lý cơ sở vật chất hiện có để trả lương cho nhân viên. Kết quả kinh doanh của các công ty cũng sa sút trầm trọng, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Hải Phòng lỗ nặng. Chứng khoán TP HCM dù không lỗ nhưng có lợi nhuận rất thấp.
Một yếu tố quan trọng khác là giai đoạn này cũng gắn liền với giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu vì vậy tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối ngoại bắt đầu bán ròng liên tục kéo théo tâm lý hoảng sợ đến các nhà đầu tư trong nước. Hoạt động huy động vốn cũng trì trệ khi chỉ đạt hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với năm 2007.
VN-Index sẽ con vươn lên đến đâu? (ảnh minh họa) |
Vậy năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam có gì?
Giai đoạn cuối năm 2017, thông tin thoái vốn từ SCIC làm bùng phát sự hứng khởi cho giới đầu tư. Sau CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM), thị trường tiếp tục đón nhận các thương vụ thoái vốn tại hàng loạt công ty lớn như Tổng CTCP Xuất nhẩu khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), FPT và sắp tới là hai ông lớn ngành bia Sabeco (SAB), Habeco (BHN).
Giá cổ phiếu của các công ty lập tích phản ứng tích cực ngay sau khi thông tin được đưa ra. Trong đó, SAB đã vượt ngưỡng 300.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/11 và trở thành cổ phiếu đầu tiên có mức giá này trong nhiều năm trở lại đây, cũng là cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại.
Trước đó từ đầu năm nay, thị trường đón nhận thêm nhiều ông lớn lên sàn như Vietjet Air (VJC), Tập đoàn dầu khí Việt Nam Petrolimex (PLX) và mới đây nhất là cơn sốt Vincom Retail (VRE) thu hút hàng triệu cổ phiệu giao dịch mỗi phiên.
Khối ngoại cũng là nhân tố quan trọng giúp thị trường thăng hoa. 9 tháng đầu năm 2017, khối ngoại giao dịch rất tích cực với tổng giá trị mua ròng vào khoảng gần 13.500 tỷ đồng, khối lượng mua ròng đạt hơn 57 triệu cổ phiếu. Tính riêng trên HSX, khối ngoại đã mua ròng lên đến gần 14.000 tỷ đồng, khối lượng mua ròng là 72,6 triệu cổ phiếu. Thậm chí ngay đầu tháng 11, cơn sốt giao dịch khối ngoại còn tăng hơn nữa với sự xuất hiện của VRE và thông tin thoái vốn từ VNM.
Thời gian qua cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu đồng loạt đạt đỉnh mới. Phải kể đến những cái tên như VIC, VJC, MWG, PNJ, VCB.
Diễn biến giá cổ phiếu VIC từ đầu năm đến nay (nguồn: VNDirect) |
Những yếu tố khách quan khác
Tháng 8 vừa qua, chứng khoán phái sinh ra mắt và trở thành trụ cột quan trọng thứ ba trong thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại cùng với thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Sự ra đời này của thị trường chứng khoán phái sinh giúp cho các nhà đầu tư có thêm công cụ để gia nhập thị trường, tìm kiếm thêm cơ hội kiếm lời với việc giảm thiểu được rủi ro. Các công ty chứng khoán có thểm sản phẩm để cung cấp cho khách hàng qua đó tăng lợi nhuận cho chính mình.
Trong năm, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có những biện phấp cần thiết cho thị trường như tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi, chú trọng nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng.
Nền kinh tế thế giới hiện nay trở nên ổn định hơn, Việt Nam cũng trở thành một trong những thành viên quan trọng tại ASEAN cũng như trên toàn thế giới. Tổ chức thành công sự kiện APEC 2017, đồng thời trong dịp này đã nhất trí một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc thay đổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Qua đó đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường nước ngoài, gỡ bỏ rào cản về thuế, góp phần tăng trưởng kinh tế trong nước.
Những hiệu ứng 'mật ngọt' nào tạo đà tăng của thị trường chứng khoán?
Những tin tốt đến ồ ạt khiến các nhà đầu tư lạc quan ngút trời, VN30 Future lần đầu tiên vượt 1.000 điểm trong phiên ... |