VNDirect: Giá trị nhập khẩu thấp phản ánh ngành sản xuất đang chững lại, xuất khẩu vẫn khó khăn nửa đầu 2023
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết giá trị nhập khẩu ở mức thấp trong quý IV/2022 phản ánh nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô, tư liệu sản xuất và sản phẩm trung gian suy yếu trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam trong quý IV/2022 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ (so với mức tăng 7% ở quý trước) xuống còn khoảng 83,5 tỷ USD (giảm 7% so với quý trước).
Trong đó, nhập khẩu hàng hóa trung gian (phục vụ cho sản xuất) giảm mạnh 9% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tư liệu sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu thô giảm lần lượt 5,3% và 3,5% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng và hàng hóa khác tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ trong quý IV/2022.
Trong năm 2022, giá trị nhập khẩu tăng lên 358,9 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ) và thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD (so với thặng dư thương mại 3,3 tỷ USD vào năm 2021).
VNDirect cho rằng giá trị nhập khẩu khó có thể cải thiện đáng kể trong những tháng tới do các doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm sản xuất trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới vẫn rất ảm đạm.
Trong quý IV/2022, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm do lượng đơn đặt hàng sản xuất mới giảm trong vài tháng qua.
Các chuyên gia của VNDirect cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu 2023 do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến cho đơn hàng mới sụt giảm.
Ngoài ra, chỉ số PMI giảm xuống dưới 50 điểm trong hai tháng 11, 12/2022 cho thấy ngành sản xuất đang bị thu hẹp do tình hình đơn hàng mới kém khả quan.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất cần có thời gian để phục hồi khi thị trường phục hồi. Nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất hoạt động, giảm giờ làm, thậm chí sa thải nhân viên. Do đó, doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi sản xuất ngay cả khi đơn hàng sản xuất và xuất khẩu tăng trở lại.
VNDirect kỳ vọng bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ tươi sáng hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ hu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và Fed bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.