VNDirect dự báo tăng trưởng quý II đạt 4,5 - 5%
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,5-5 trong quý II.
Ngành dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý II với mức tăng trưởng dự báo đạt 6,5- 7%. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng có thể cải thiện lên 2,8-3,2% trong quý II từ mức giảm 0,4% trong quý I nhờ đầu tư công tăng mạnh và tác động tích cực từ việc mặt bằng lãi suất giảm.
Trong nửa đầu năm 2023, VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,9-4,2%, giảm từ mức 6,4% trong nửa đầu năm 2022.
Khối phân tích cũng nhận thấy các trở ngại đang ngày một tăng lên, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, do vậy hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống còn 5,5%.
"Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức do đơn hàng sản xuất và xuất khẩu giảm, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và thị trường bất động sản trong nước suy thoái, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5,5% (so với dự báo trước đó là 6,2%)", VNDirect cho hay.
Các chuyên gia nhấn mạnh rủi ro suy thoái kinh tế tại các quốc gia phát triển có thể tác động xấu tới triển vọng lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong những quý còn lại của năm 2023.
Sự bất ổn thời gian gần đây của hệ thống ngân hàng Mỹ đã khiến triển vọng suy thoái kinh tế tại quốc gia này gia tăng. Theo Ngân hàng Dự trữ New York, khả năng xảy ra suy thoái tại Mỹ là 57,8% (dữ liệu tính đến ngày 31/03), tăng từ mức 54,5% vào cuối tháng 2/2023.
Ngoài ra, Fidelity (một tổ chức đầu tư toàn cầu hàng đầu) đã nâng tỷ lệ xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ lên 95% so với dự báo trước đó là 55%.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs, vốn cho rằng kinh tế Mỹ ít có khả năng rơi vào suy thoái, cũng nâng xác suất xảy ra kịch bản này lên 35% từ mức 25% trước đó. Triển vọng u ám của nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới đã và đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn yếu trong những quý còn lại của năm nay do triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và thị trường bất động sản trong nước suy thoái.