|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index tăng hơn 120 điểm từ vùng đáy ngắn hạn, sự trỗi dậy của các nhóm ngành dẫn dắt liệu có bền vững?

06:30 | 24/08/2022
Chia sẻ
Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài Chính", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường đang hồi phục toàn diện nhưng những nhóm ngành tăng mạnh nhất đợt vừa rồi là ngân hàng và chứng khoán.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, tuy có đan xen những phiên giảm điểm nhưng vẫn đang trong xu hướng đi lên.

Nhiều nhóm ngành dẫn dắt bị giảm mạnh trước đây đã quay trở lại tăng giá mạnh mẽ hơn. Đơn cử như trong một tháng qua, trung bình nhóm dịch vụ tài chính tăng mạnh nhất với 11,7%, nhóm ngân hàng tăng 8,4% và nhóm bất động sản tăng 8%. Nếu tính lẻ theo từng cổ phiếu, thậm chí có những mã đã tăng đến vài chục %.

Theo giới chuyên môn, thị trường đã nhiều lần kiểm tra mức đáy và xu hướng phục hồi lần này khá rõ nét. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo sẽ có những phiên điều chỉnh đan xen trong quá trình phục hồi nên các nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng trong các quyết định đầu tư trong giai đoạn này.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS).

Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài Chính", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường đang hồi phục toàn diện nhưng những nhóm ngành tăng mạnh nhất đợt vừa rồi là ngân hàng và chứng khoán.

Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, kết quả kinh doanh quý II kém ấn tượng hơn đáng kể so với quý I dù đây là thời điểm đáy của thị trường. Tuy nhiên với sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường trong hơn 1 tháng vừa rồi cộng với sự phục hồi của thanh khoản, kết quả kinh doanh quý III của các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ có cải thiện đáng kể.

Còn với nhóm ngân hàng, nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết tăng trưởng tín dụng thì không phải Ngân hàng Nhà nước siết mà hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng ở một số phân khúc để nắn luồng tín dụng vào những hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn. 

Về nhóm bất động sản, ông Tuấn giữ quan điểm trung tính. Chuyên gia cho rằng chủ trương chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng như của chính phủ về việc nắn dòng vốn của toàn thị trường vào những hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế là rất đúng. Do đó những cơn sóng hay những điểm nóng của bất động sản lại không xuất hiện trong năm nay.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám Đốc Nghiên Cứu Khối Khách Hàng Tổ Chức Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam 

Còn theo quan điểm của ông Trương Quang Bình, Phó Giám Đốc Nghiên Cứu Khối Khách Hàng Tổ Chức Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thực tế doanh số của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, khoảng 20 doanh nghiệp lớn nhất, ngạc nhiên không những giảm mà tăng 5% so với cùng kỳ.

Nếu tính cả VinHomes, doanh số của ngành bất động sản tăng đến 59% so với cùng kỳ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro lẫn hỗ trợ tương đối khó lường ví dụ như lãi suất hay đặc biệt là room tín dụng. Khi những vấn đề này được khai thông, nó sẽ là chất xúc tác rất lớn với đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản.

Về diễn biến chung của thị trường, ông Bình đánh giá chu kỳ của thị trường chứng khoán có 4 giai đoạn là tích lũy, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái.

"Hiện tại tôi cho rằng đang ở giai đoạn tích lũy sau khi giảm mạnh. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ đi trước kinh tế khoảng 6 tháng nên nếu chúng ta lấy mốc giữa năm 2023, kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu hồi phục, có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu đảo chiều và phục hồi trong dài hạn vào cuối năm nay. Đó là thời điểm phù hợp để chúng ta tích lũy tài sản."

 

 

Thu Thảo