|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index lấy lại mốc 1.250 điểm nhờ sắc xanh của nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu thép đồng loạt điều chỉnh

15:00 | 31/07/2024
Chia sẻ
Thị trường phiên chiều chứng kiến áp lực bán tăng cao ở nhóm midcap và penny khiến nhiều mã quay đầu giảm mạnh, thậm chí đóng cửa trong sắc xanh sàn như TCO, TLH, TMT. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn vẫn là nhân tố gồng đỡ giúp VN-Index trụ vững trên mốc 1.250 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 6,45 điểm (0,52%) lên 1.251,51 điểm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,22%) xuống 235,36 điểm, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (0,18%) xuống 95,07 điểm.

Thị trường phiên chiều chứng kiến áp lực bán tăng cao ở nhóm midcap và penny khiến nhiều mã quay đầu giảm mạnh, thậm chí đóng cửa trong sắc xanh sàn như TCO, TLH, TMT. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn vẫn là nhân tố gồng đỡ giúp VN-Index trụ vững trên mốc 1.250 điểm.

VN30-Index đóng cửa tăng hơn 11 điểm. Rổ VN30 ghi nhận 19 mã tăng/9 mã giảm. Bên chiều tăng điểm, VNM bật tăng 5,8% lên 71.600 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh kỷ lục đạt hơn 21,1 triệu đơn vị, trở thành á quân tác động tích cực lên thị trường phiên hôm nay. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc cũng được chứng kiến ở các mã HDB (+4%), GAS (+3,5%), VIB (+2,9%), VPB (+2,4%) VCB (+1,9%), …

Chuyển động của nhóm ngân hàng vẫn là nhân tố tác động tích cực nhất lên thị trường phiên hôm nay. Riêng nhóm này đã góp gần 6,5 điểm cho VN-Index. Trong đó, cổ phiếu của ông lớn VCB với mức tăng 1,9% giúp VN-Index có thêm gần 2,4 điểm. Top10 mã tác động tích cực lên thị trường còn có các đại diện ngân hàng như BID, VPB, HDB, TCB, ACB, VIB.

 Cổ phiếu thép đồng loạt điều chỉnh trong phiên cuối tháng 7. (Ảnh chụp màn hình).

Nhóm thép giao dịch tiêu cực trong phiên hôm nay sau thông tin thép HRC Việt Nam nguy cơ bị Ủy ban châu Âu điều tra chống bán phá giá. SMC và TLH đóng cửa giảm kịch sàn, TVN lao dốc 7%, VGS mất 6% thị giá, cùng loạt mã giảm khác như KVC (-5,3%), HSG (-4,85), NKG (-3,8%), TNA (-1,75), HMC (-1,6%). Cổ phiếu HPG của ông lớn Hòa Phát đóng cửa giảm 2,5% xuống 27.200 đồng/cp, trở thành lực cản lớn nhất thị trường phiên hôm nay. 

Cổ phiếu phân bón hóa chất tiếp đà điều chỉnh với LAS, CSV, VAF, SFG giảm trên 3%, các mã còn lại như DCM, BFC, DDV, LIX, DGC giảm ít hơn với tỷ lệ dưới 2%.

Ở nhóm xây dựng, cổ phiếu HBC sau khi được giải cứu trong phiên sáng, đã bị bán mạnh trở lại và đóng cửa phiên trong sắc xanh sàn, khối lượng khớp lệnh đạt gần 15,2 triệu đơn vị, cao nhất trong khoảng 1 năm qua. Cùng chiều, VGC giảm 4%, CTD mất 3,3% thị giá, trong khi FCN, ACC đỏ nhẹ dưới tham chiếu.

Thanh khoản ghi nhận cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 19.237 tỷ đồng, tương đương gần 836 triệu cổ phiếu được mua - bán trong phiên hôm nay. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch là 17.570 tỷ đồng, tăng gần 28% so với phiên trước.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 9,96 điểm (0,8%) lên 1.255,02 điểm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (0,28%) đạt 236,53 điểm, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (0,15%) còn 95,1 điểm. 

Khởi đầu phiên sáng nay, thị trường phát tín hiệu tích cực với nhịp tăng hơn 3 điểm khi mở cửa. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, xu hướng tăng giá đồng thuận ở nhiều nhóm ngành đẩy VN-Index vượt mốc 1.255 điểm.

Động lực tăng của thị trường chung chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu lớn trong rổ VN30. Ở nhóm vốn hóa lớn, 22 cổ phiếu ghi nhận tăng điểm, trong đó nổi bật nhất là VNM khi tăng 4,4% lên 70.700 đồng/cp. Top10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index đã giúp chỉ số có thêm hơn 8,8 điểm, trong khi ảnh hưởng của các lực cản chính lên thị trường chưa đến 1,4 điểm.

Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực/tiêu cực lên VN-Index. (Nguồn: Chứng khoán VNDirect).

Dòng ngân hàng là “công thần” lớn nhất trong phiên sáng nay với mức đóng góp gần 6,6 điểm cho VN-Index. Trong đó, nhiều mã giao dịch tích cực có thể kể đến như HDB (+3,6%), BID (+3,3%), TPB (+2,5%), VPB (+2,2%), VAB (+2,1%), KLB (+1,7%), BVB (+1,6%), ABB (+1,3%), ACB (+1,2%), NVB (+1,1%), …

Tại nhóm bất động sản, cổ phiếu NVL bật tăng trần sau dự báo kết quả kinh doanh quý II tích cực. Cụ thể, theo thông tin cập nhật từ ông Dương Văn Bắc, Giám đốc tài chính (CFO) CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), ước tính 6 tháng đầu năm công ty đạt 5.214 tỷ đồng doanh thu thuần và 345 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng 56% về doanh thu và có lãi so với mức lỗ 410 tỷ đồng ở cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 27%.

Doanh thu nửa đầu năm của Novaland được đóng góp chính từ mảng dịch vụ, kế đến là các dự án NovaWorld Phan Thiet, Palm City, Aqua City, NovaWorld Ho Tram... Như vậy, đối chiếu với số lỗ hơn 560 tỷ đồng ở quý đầu năm, có thể trong quý II Novaland lãi trên 900 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt trên 4.500 tỷ đồng. Đến cuối phiên sáng cổ phiếu của Novaland đã hạ độ cao khi chỉ còn tăng 4,8% lên 11.950 đồng/cp.

Cổ phiếu ngành địa ốc đồng loạt hồi phục trước thêm Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8. Bộ đôi QCG và LDG duy trì sắc tím trần đến cuối phiên sáng, cùng chiều CEO, L14, HQC, HPX, DXS tăng 2 – 4,8%. Sắc xanh nhẹ hơn cũng được chứng kiến ở các mã DXG (+1,8%), VPH (+1,5%), HTN (+1%), CII (+1%), GVR (+0,9%), SCR (+0,8%), HDG (+0,7%), KDH (+0,6%), DIG (+0,6%), …

Là nhóm nhạy cảm với diễn biến thị trường, cổ phiếu của các công ty chứng khoán lan tỏa sắc xanh, tím trong phiên sáng nay. VIX tăng hết biên độ trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10:1); nhận cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 10:1); thực hiện quyền mua cổ phiếu (tỷ lệ 100:95, giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Bên cạnh đó, CSI cũng ghi nhận mức tăng 7,4% lên 29.000 đồng/cp, ORS tăng 2,8%, cùng với loạt mã tăng ít hơn 2% như APG, WSS, HAC, FTS, EVS, AAS, VCI, VND, SSI, ...

Nhóm dầu khí cũng có phiên giao dịch tích cực với BSR tăng 6% lên 23.000 đồng/cp, GAS và PVC lần lượt xanh 2,6% và 2,2%, cùng với PVD (+2%), PVB (+1,4%), OIL (+0,7%), PVS (+0,5%), TDG (+0,2%), …

Sắc xanh tan tỏa ở tất cả các nhóm ngành và nhóm cổ phiếu giúp dòng tiền vào thị trường ghi nhận cải thiện. Một số cổ phiếu cũng giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh ghi nhận hàng triệu đơn vị, điển hình như VIX (27,7 triệu đơn vị), VPB (19,4 triệu đơn vị), TPB (17 triệu cổ phiếu), BCG (13,8 triệu cổ phiếu), NVL (13,8 triệu đơn vị), …

Tổng giá trị giao dịch toàn phiên sáng đạt hơn 400 triệu cổ phiếu, tương đương 8.175 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch tăng gần 36% lên 7.388 tỷ đồng.

Tại thị trường quốc tế, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm điểm trong phiên 30/7 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ để chuẩn bị cho báo cáo tài chính từ nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, Meta (Facebook), Apple và Amazon.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30/7, chỉ số S&P 500 mất 0,5% và kết thúc ở mức 5.436 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,28% xuống còn 17.147 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 203 điểm, tương đương 0,5% và chốt phiên ở mức 40.743 điểm. 

Thu Thảo