|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index hồi phục về sát tham chiếu tạo nến rút chân

15:00 | 16/04/2024
Chia sẻ
Áp lực bán tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ liên tục gia tăng khiến VN-Index quay về vùng giá đỏ sau khi xanh nhẹ phiên ATO.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,93 điểm (0,08%) về 1.215,68 điểm, HNX-Index giảm 0,88 điểm (0,38%) còn 228,83 điểm, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (0,39%) xuống 88,63 điểm.

Lực kéo mạnh mẽ từ phiên ATC giúp các chỉ số hồi phục khi đóng cửa. VN-Index chỉ còn giảm gần 1 điểm. So với mức thấp nhất ngày tại 1.192 điểm thì chỉ số chính sàn HOSE đã có nhịp hồi phục gần 23 điểm.

VN30-Index bất ngờ lội ngược dòng và rút chân tăng gần 5 điểm dừng chân tại mốc 1.232,7 điểm, dù trước đó phần lớn thời gian mã này giao dịch trong vùng giá đỏ, thậm chí trong phiên chiều có thời điểm chỉ số giảm về sát mốc 1.210 điểm.

Động lực hồi phục cuối phiên đến từ nỗ lực kéo xanh của nhóm vốn hóa lớn. Trong đó, sức mạnh giá chủ yếu đến từ các đại diện nhóm ngân hàng, bất động sản, công nghệ như TCB, BID, CTG, MBB, GVR, LPB, FPT, VHM, VPB, ACB, …

Chuyển động ngành bất động sản ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường trong phiên hôm nay với sắc đỏ phủ bóng lên phần lớn các cổ phiếu, ngoại trừ một vài mã đảo chiều hồi phục trong phiên chiều như QCG (+4,3%), HDC (+2,3%), HPX (+2,1%), GVR (+1,8%), KDH (+1%), VHM (+0,7%), …

Trong phiên thị trường biến động mạnh, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1,55 tỷ đơn vị, tương đương 33.752 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh đạt 27.262 tỷ đồng, giảm gần 10% so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn 20% so với giá trị trung bình 1 tháng gần đây.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 9,64 điểm (0,79%) xuống 1.206,97 điểm, HNX-Index giảm 3,17 điểm (1,38%) còn 226,54 điểm, UPCoM-Index giảm 0,95 điểm (1,07%) về 88,03 điểm.

Sau thời gian hồi phục vào giữa phiên, thị trường yếu dần về cuối phiên do diễn biến tiêu cực của "họ Vingroup". Hai mã VIC và VHM là tác động lớn nhất đến đà giảm của thị trường. Ngoài ra, một số mã vốn hóa lớn cũng gây sức ép lên chỉ số như HPG, MSN, VCB, NVL, MWG, VNM, SAB.

Ở chiều tăng giá, chủ yếu là các đại diện ngành ngân hàng như BID, TCB, VPB, LPB, ACB đóng vai trò trụ đỡ giúp thị trường không giảm sâu. Các mã vốn hóa lớn và trung bình khác cũng giao dịch tích cực như FPT, SIP, DGC.

Họ bất động sản tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường chung, riêng nhóm này đóng góp gần một nửa số điểm giảm của VN-Index phiên sáng nay. Dù vậy, không có mã nào bị bán tháo và giảm hết biên độ như phiên trước đó.

Loạt mã dừng phiên sáng chìm sâu trong sắc đỏ, bao gồm HPX (-6,7%), DIG (-5,4%), NVL (-5,2%), DXG (-5,1%), HQC (-4,9%), TCH (-4,7%), HTN (-4,6%), VPH (-4,5%), PDR (-4,5%), AGG (-4,4%), SCR (-4,4%), DXS (-4,3%), ITA (-4,2%), CEO (-3,9%), VIC (-3,5%), …

Tại nhóm ngành thép, POM giảm sàn về 3.030 đồng/cp, cùng với loạt mã giảm như TLH (-4,4%), TVN (-3,3%), HSG (-3,1%), NKG (-2,7%), PAS (-2,6%), TNA (-2,5%), SMC (-2%), HMC (-1,7%), HPG (-1,4%), …

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch trong phiên sáng nay đạt hơn 757,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 16.710 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt giá trị hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 37% so với phiên trước đó

Tính đến 10h00, VN-Index tăng 1,22 điểm (0,1%) lên 1.217,83 điểm, VN30-Index tăng 5,12 điểm (0,42%) đạt 1.233,02 điểm.

VN-Index lấy lại sắc xanh về giữa phiên sáng nhờ nỗ lực dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn. VN30-Index hiện tăng hơn 5 điểm, trong đó BID tăng mạnh nhất nhóm với tỷ lệ 2,6%, đây cũng là mã đang đóng góp tích cực nhất cho đà hồi phục của thị trường chung.

Cùng chiều, SHB, VIB, TCB, VPB, CTG, GVR và TPB tăng hơn 1%. Dòng tiền chuyển động tương đối nhanh khiến thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước, giá trị khớp lệnh trên HOSE hiện đạt hơn 7.300 tỷ đồng. 

Tính đến 9h20, VN-Index giảm 7,89 điểm (0,65%) về 1.208,72 điểm, HNX-Index giảm 2 điểm (0,87%) xuống 227,71 điểm, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (0,29%) xuống 88,73 điểm.

Sau phiên giảm gần 60 điểm hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay với nhịp xanh nhẹ hơn 2 điểm khi mở cửa. Điều này phần nào giảm bớt tâm lý căng thẳng cho tâm lý nhà đầu tư sau phiên bán tháo trước đó.

Nỗ lực hồi phục chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn khi sắc xanh đang chiếm ưu thế trong rổ VN30. SHB tăng mạnh nhất nhóm với tỷ lên 2,2%, theo sau là BID (+1,8%), VCB (+1,3%), VPB (+1,1%), STB (+0,9%), GAS (+0,,7%), BVH (+0,6%), …

Trong khi đó, áp lực bán tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ liên tục gia tăng khiến VN-Index quay về vùng giá đỏ ngay sau đó. Cổ phiếu bất động sản gây sức ép lên chỉ số chính với loạt mã giảm hơn 2%, điển hình như DIG, HPX, TCH, PDR, DXS, NVL, HTN, CII, CEO, NLG, ITA, SCR, KBC, …

Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc trong phiên 15/4 khi lợi suất tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 và căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau vụ không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 248 điểm, tương đương 0,65% và đóng cửa ở mức 37.735 điểm, đánh dấu ngày giảm thứ 6 liên tiếp. Đầu phiên, có lúc chỉ số này tăng 1%. 

S&P 500 giảm 1,2% xuống 5.062 điểm mặc dù từng tăng 0,88% trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,79%, đóng cửa ở mức 15.885 điểm khi Salesforce và các cổ phiếu công nghệ khác đi xuống.

Thu Thảo

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.