VN-Index có dấu hiệu phân hóa, DSC gợi ý chiến lược đầu tư trong kịch bản thị trường tích lũy và bán tháo
Trong Báo cáo chiến lược tháng 3, Chứng khoán DSC trong khoảng một tháng trở lại đây, diễn biến của VN-Index là tương đối tiêu cực khi chỉ số tạo đỉnh ngắn hạn và suy yếu về vùng sát 1.000 điểm. Tuy nhiên có một điểm tích cực dễ thấy đó là độ rộng dài hạn, dù còn bi quan nhưng không suy yếu thêm.
Cụ thể hơn, tỷ trọng cổ phiếu có giá nằm trên giá MA200 đã tăng từ đầu năm 2023 đến nay dù thị trường chung có xu hướng giảm điểm. Đây là biểu hiện cho thấy nhiều nhóm cổ phiếu đã “dám” phân hóa, tăng trong bối cảnh thị trường xấu.
Theo đánh giá kỹ thuật của DSC, chỉ số hiện tại không có xu hướng, xác suất tăng hay giảm như nhau. Chỉ báo cho thấy dòng tiền ngoài thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân vào các cổ phiếu giá rẻ. Sự phân hóa của dòng tiền cho nhà đầu tư hy vọng rằng các cơ hội cụ thể vẫn tồn tại, thay vì tất cả các cổ phiếu đều có triển vọng bi quan theo chỉ số chung.
Với kịch bản 1, thị trường tích lũy, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần khi VN-Index giao dịch quanh vùng 1.013 - 1.030 và quản trị rủi ro khi thị trường thủng đáy 1.010.
Trường hợp kịch bản thị trường tích lũy xảy ra, DSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể giải ngân các cổ phiếu midcap. Trong trường hợp thị trường thủng đáy 1.013, nhà đầu tư nên bảo vệ vốn, chỉ nên giải ngân khi xuất hiện những dấu hiệu tạo đáy như tâm lý thị trường cạn kiệt, bán tháo xảy ra, ...
Trong khi đó, với kịch bản thị trường dò đáy, sử dụng MA20 và MA50 làm hệ tham chiếu, DSC quan sát thấy mỗi khi tỷ trọng cổ phiếu nằm trên giá MA20 hoặc MA50 đạt mức thấp, thị trường đều xuất hiện dấu hiệu tạo đáy.
Nói cách khác, khi tâm lý bi quan đã lan tỏa khắp thị trường, biểu hiện qua việc hầu hết cổ phiếu đều nằm dưới mức giá MA20 (hay MA50), cũng là lúc phù hợp để cho nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Do đó, trường hợp kịch bản bán tháo xảy ra, nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư theo dõi hai chỉ báo này để giải ngân tỷ trọng nhỏ trong các phiên tâm lý cùng cực và thị trường giảm điểm.
Theo DSC, nhà đầu tư không nên giải ngân tỷ trọng lớn trong một phiên do thị trường có thể tiếp tục giảm sâu trước khi hồi phục, ví dụ như giai đoạn tháng 10 - tháng 11/2022.
Hiện tại chỉ báo động lượng của DSC đã ở mức thấp, nhà đầu tư có thể giải ngân tỷ trọng nhỏ ở các phiên thị trường giảm điểm. Nếu thị trường có phiên hồi phục với thanh khoản lớn so với ngưỡng trung bình 5 - 10 phiên trước đó, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng giải ngân do đây thường là dấu hiệu tạo đáy của thị trường.