|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinpearl Air đã gửi hồ sơ xin cấp phép lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội

07:17 | 06/08/2019
Chia sẻ
Theo văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, Sở KH-ĐT Hà Nội cho hay đã nhận được đề nghị thực hiện dự án kèm hồ sơ từ Vinpearl Air, công ty hàng không mới thành lập thuộc Vingroup.

Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội cho hay đã nhận được văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kèm theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Căn cứ theo quy định hiện hành, cơ quan này đã gửi hồ sơ của doanh nghiệp tới các bộ ngành liên quan như các Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Quốc phòng, Tài chính cùng Sở Tài chính Hà Nội để xin ý kiến.

Vinpearl Air đã gửi hồ sơ xin cấp phép lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội - Ảnh 1.

Vinpearl Air vừa có động thái đầu tiên nhằm hiện thực hóa tham vọng gia nhập ngành hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Forbes.

Các bộ ngành sẽ xem xét, có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Vinpearl Air theo nội dung mà bộ ngành mình quản lý và các vấn đề khác cần lưu ý, quan tâm.

Sau đó, Sở KH-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp, chuyển UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng.

Về phần Bộ GTVT, cơ quan này đã giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air. Bộ yêu cầu cần có thẩm định bằng văn bản gửi về Bộ trước ngày 6/8.

Dự án thành lập hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của Tập đoàn FLC từng mất hơn 1 năm để đi từ bước nộp hồ sơ phê duyệt đầu tư tới cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019.

Theo báo cáo tài chính gần nhất của Vingroup, công ty con Vinpearl của tập đoàn này đã nắm 80% cổ phần của Vinpearl Air. Do Vingroup đang nắm giữ 64,56% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl nên Vingroup gián tiếp nắm giữ 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.

Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm công ty cổ phần Phát triển Du lịch VinAsia (45%), ông Hoàng Quốc Thủy (30%) và ông Phạm Khắc Phương (25%). Nhiều khả năng nhóm cổ đông này đã chuyển nhượng 80% cổ phần lại cho công ty cổ phần Vinpearl.

Ngay sau khi thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam.

Doanh nghiệp này cho biết đã thành lập Trường Đào tạo Nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên.

Hiện Vinpearl Air chưa công bố bất kỳ thông tin nào về mô hình hoạt động, dàn nhân sự cũng như kế hoạch mua, thuê máy bay. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, số vốn đăng ký 1.300 tỷ đồng đủ để doanh nghiệp khai thác 30 máy bay khai thác cả chặng nội địa và quốc tế.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không được Bộ GTVT phê duyệt, cơ quan này đã chấp thuận cho Bamboo Airways tăng khai thác trung bình 9-10 máy bay/năm.

Cục Hàng không trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây cũng đề xuất cho Vietjet Air tăng khai thác thêm 11 máy bay ngay trong năm 2019.

Nhóm Tổng công ty Hàng không Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác 112 máy bay và tới cuối năm 2023, con số này dự kiến tăng lên mức 155-160 chiếc dựa theo kế hoạch của Bộ GTVT.

Như vậy tới cuối năm 2023, số lượng tàu bay còn lại của hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không khác (nếu có) là khoảng 74-83 máy bay. Đây là lượng máy bay mà nhiều khả năng Vinpearl Air sẽ phải chia sẻ với các hãng khác đang muốn bay là Vietstar Airlines, Vietravel Airlines hay liên doanh mà AirAsia đang muốn thành lập.

Ngô Minh