Vingroup, Xuân Thành, Xây dựng Lũng Lô đề xuất xây dựng tuyến metro tại Hà Nội
Ảnh minh họa |
Theo báo Chính phủ, UBND TP Hà Nội báo cáo, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của thành phố là khoảng 126.386 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn ngân sách, ODA, PPP.
Trong đó, các đường vành đai đang và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng là Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi phục; Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở; Vành đai 2,5 từ đô thị Ciputra đến Vành đai 3; Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch – Cầu Thăng Long;…
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, đến năm 2020 thành phố sẽ đầu từ đồng bộ đoạn từ Đường 5 kéo dài đến Quốc lộ 6.
Phấu đấu đến cuối năm 2017, Hà Nội sẽ hoàn thành tuyến đường Vành đai 3; đến năm 2019 là các tuyến Vành đai 1, 2. Đối với các dự án xây thêm 5 cây cầu mới để kết nối với các tỉnh thành, vùng kinh tế khác, thành phố hiện đã có đủ các nhà đầu tư BT và đã bố trí đủ đất đối ứng.
“Thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành...”, ông Chung thông tin.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hà Nội cần chú ý kết nối giao thông từ trung tâm đến các đô thị vệ tinh. Kết nối tốt sẽ tạo ra động lực mới, khu vực nào chưa phát triển thì cần giao thông kết nối để hấp dẫn nhà đầu tư và giảm áp lực cho nội đô.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh thi công 2 tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, nghiên cứu kết nối 2 tuyến đường sắt quốc gia, đồng thời tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại. Nếu nhà đầu tư nội tham gia, tiêu chí nhanh, rẻ và an toàn phải được bảo đảm.