|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vincom Retail sẽ đưa ứng dụng công nghệ vào trong các trung tâm thương mại

15:31 | 28/02/2019
Chia sẻ
Năm 2019, hệ thống Vincom Retail sẽ tiếp tục mở rộng với kế hoạch ra mắt thêm 13 Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc. Đồng thời, các trung tâm thương mại Vincom sẽ được ứng dụng công nghệ nhằm đón bắt xu hướng phát triển của thị trường.

Vincom Retail ứng dụng công nghệ vào vận hành trung tâm thương mại

Tại Hội thảo "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" sáng 28/2, bà Trần Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing của Vincom Retail cho biết, tính đến hết tháng 3/2019, Vincom Retail sở hữu và vận hành mặt 66 trung tâm thương mại, có mặt tại 38 tỉnh/thành phố trên toàn quốc và đón gần 160 triệu lượt khách hàng.

Vincom Retail sẽ đưa ứng dụng công nghệ vào trong các trung tâm thương mại - Ảnh 1.

Hội thảo "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" (ảnh: MA)

Bước sang 2019,  hệ thống Vincom Retail dự kiến tiếp tục mở rộng với kế hoạch ra mắt thêm 13 Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc, có mặt tại 42 tỉnh/thành phố và đưa tổng tổng diện tích bản lẻ lên 1,6 triệu m2. 

Vincom Retail sẽ ra mắt thị trường và chào thuê các dự án Vincom Mega Mall trọng điểm tại Khu đô thị Vincity. Đồng thời, công ty dự kiến ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành trung tâm thương mại, làm cầu nối giữa khách thuê và các đối tác viễn thông, ngân hàng, ứng dụng công nghệ.

Làm thế nào để doanh nghiệp bán lẻ nội bắt kịp xu hướng thị trường?

Tại buổi hội thảo, bà Rebecca Pearson - Phó Giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE Châu Á, đã đưa ra những con số ghi nhận triển vọng của thị rường bất động bán lẻ Việt Nam và các xu hướng mới trong việc tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng. 

Bà  Rebecca Pearson cho biết, trong bối cảnh thói quen người tiêu dùng thay đổi với tốc độ "chóng mặt" thì vẫn có hơn 90% khách hàng lựa chọn cửa hàng thực thể nhận khi mua hàng trực tuyến. 1/3 những người "chơi "trong cuộc chiến giành thị phần ở thị trường bán lẻ đến từ châu Á. Về thương hiệu, các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có giá tầm trung ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. 

Để doanh nghiệp bán lẻ nội bắt kịp xu hướng thị trường, ông Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cho biết, các doanh nghiệp phải tạo lòng tin đối với người tiêu dùng; đảm bảo chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thực phẩm.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, có nhiều doanh nghiệp ngoại đang hiện diện ở Việt Nam như Aeon, Lotte...Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần trước sự tham gia của các thương hiệu ngoại.

Theo bà Loan, mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu của thị trường bán lẻ. Tại Việt Nam kinh doanh theo chuỗi có mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm. Việt Nam vẫn còn nhiều không gian, mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước khi quy mô dân số hơn 90 triệu dân.

Người tiêu dùng trẻ, năng động, đặc biệt là tác động mạnh mẽ công nghệ số. Doanh nghiệp kinh doanh ngành bán lẻ chỉ thành công khi có quy mô lớn, quản trị tốt và thương hiệu uy tín. Các doanh nghiệp nội cần nhận thức, làm sao để lấy được sự tin cậy người tiêu dùng thương hiệu và cần có sự liên kết, kết nối với các hiệp hội ngành hàng.

Trong khi đó,  bà Rebecca Pearson cho biết doanh nghiệp bán lẻ ngoại và nội có thể chung sống hòa bình, học hỏi từ nhau. Liên quan thay đổi số hóa đang xảy ra, các doanh nghiệp nội phải nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.


Minh Anh