|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vincom Retail phát triển ra sao trong hai thập kỷ thuộc Vingroup?

08:48 | 19/03/2024
Chia sẻ
Diện tích sàn của Vincom Retail mở rộng 42 lần trong gần hai thập kỷ kinh doanh, riêng giai đoạn công khai tài chính 2014-2023 ghi nhận doanh thu gấp 5 lần và quy mô lợi nhuận mở rộng thêm 42 lần.

Hội đồng quản trị Vingroup (Mã: VIC) vừa quyết định sẽ thoái 100% vốn điều lệ trong công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI, đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh thương mại Sado.

Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail (Mã: VRE) khi nắm 41,5% cổ phần công ty phát triển bất động sản bán lẻ. Bên cạnh đó, Vingroup cũng trực tiếp nắm giữ 18,8% vốn điều lệ Vincom Retail.    

Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết giao dịch dự kiến được thực hiện từ tháng 3 đến hết quý III năm nay. Sau khi hoàn tất, Vincom Retail, Sado và SDI sẽ không còn là công ty con của Vingroup. 

"Đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao”, ông Quang nói về quyết định thoái lượng lớn cổ phần. 

Vincom Retail bắt đầu tiến vào thị trường phát triển bất động sản bán lẻ từ năm 2004, bằng việc khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Vincom Bà Triệu, có diện tích sàn 42.000 m2 ở Hà Nội.

 Các mốc phát triển của Vincom kể từ khi tiến vào ngành bất động sản bán lẻ. Nguồn: VRE. 

Doanh nghiệp tạo ra sự bùng nổ từ năm 2013 khi nhận được khoản rót vốn lớn từ Warburg Pincus. Vincom Retail bắt đầu vận hành hai trung tâm thương mại khổng lồ dưới lòng đất là Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City, nằm ngay trong các đại đô thị của Vinhomes.

Vincom Retail thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu VRE lên sàn chứng khoán vào năm 2017. Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất khi có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn diện tích sàn, nhất là vào năm 2018 ghi nhận mở mới kỷ lục 19 trung tâm thương mại.

Công ty chứng kiến sự chững lại trong các năm sau đó do ảnh hưởng của đại dịch và kinh tế suy yếu. Đến năm 2023, hệ thống Vincom duy trì quy mô tổng cộng 83 trung tâm thương mại với diện tích sàn cao nhất gần 1,75 triệu m2.   

Như vậy, trong giai đoạn 2004-2023, công ty bất động sản bán lẻ này đã phát triển thêm 82 trung tâm thương mại và mở rộng diện tích sàn gấp 42 lần trong gần hai thập kỷ thuộc về Vingroup. 

Riêng giai đoạn đỉnh điểm 2014-2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) đều đạt 17% về doanh thu và diện tích sàn. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Về chỉ tiêu tài chính, Vincom Retail năm ngoái ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.791 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ. Đây đều là các con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. 

Theo cơ cấu, doanh thu từ cho thuê các bất động sản vẫn đóng góp lớn nhất vào quy mô với gần 7.800 tỷ đồng (tăng trưởng 14%), còn lại là phần doanh thu từ bán các bất động sản đầu tư và nguồn thu khác.  

Trong gần một thập kỷ gần nhất, kể từ khi công khai tài chính 2014, Vincom Retail ghi nhận quy mô doanh thu cao gấp 5 lần và quy mô lợi nhuận mở rộng thêm 42 lần. 

Quy mô tổng tài sản cũng được mở rộng thêm 60% trong cùng giai đoạn lên mức đỉnh điểm 47.654 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ tăng quy mô vốn chủ sở hữu lên con số kỷ lục 37.827 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), tức gấp 3,2 lần trong gần một thập kỷ.

Trong khi đó, quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp có sự biến thiên nhưng tỷ trọng thấp trong cơ cấu nguồn vốn, duy trì xung quanh mức 10.000 tỷ đồng trong các năm gần đây. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Mặc dù đã thoái lượng lớn cổ phần, lãnh đạo Vingroup khẳng định quyền lợi nhà đầu tư, khách hàng sẽ không có thay đổi trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành bởi Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail.

Theo đó, tập đoàn tư nhân này sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại, quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo các hợp đồng đã ký. 

Theo kế hoạch đầu tư, Vincom Retail dự kiến khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2, duy trì vị thế nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. 

Cụ thể, ông lớn bất động sản bán lẻ có kế hoạch đưa vào vận hành 2 trung tâm thương mại Vincom Mega Mall (VMM) tại TP HCM và 4 trung tâm kinh doanh Vincom Plaza (VCP) ở khu vực miền Trung/miền Bắc. 

Còn trong giai đoạn 2024-2026, công ty này đặt mục tiêu tổng diện tích mặt sàn đạt khoảng 3-3,7 triệu m2, chủ yếu đến từ đóng góp của Vincom Mega Mall.

Cổ phiếu VRE ngay sau thông tin Vingroup bán vốn đã tăng trần lên 27.550 đồng/cp trong phiên 18/3. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp theo đó đạt 62.600 tỷ đồng, tương đương một số đơn vị khác như Thế giới Di Động, Becamex, HDBank, Sacombank.

Vincom Retail niêm yết cổ phiếu VRE trên thị trường chứng khoán từ ngày 6/11/2017 với giá tham chiếu 33.800 đồng/cp. Công ty có thực hiện một đợt thưởng cổ phiếu tỷ lệ 22,5% và sau đó có một đợt chia cổ tức tiền mặt 10,5%. 

Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ hơn 30% vốn Vincom Retail. 

Huy Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.