|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lý do đằng sau việc Vingroup muốn thoái vốn khỏi Vincom Retail

14:16 | 18/03/2024
Chia sẻ
Tổng giám đốc Vingroup cho biết đây là thời điểm tập đoàn cần tập trung nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.

Mới đây, Hội đồng quản trị Vingroup - CTCP (mã: VIC) ban hành nghị quyết về việc thoái 100% vốn điều lệ trong công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh thương mại Sado.

Sado là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail, nắm 41,5% cổ phần công ty phát triển bất động sản bán lẻ. Ngoài Sado, Vingroup cũng trực tiếp nắm giữ 18,8% vốn điều lệ Vincom Retail.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vingroup đã xác nhận thông tin này. Đồng thời lý giải thêm về việc Vingroup muốn thoái một phần vốn khỏi Vincom Retail.

Ông Quang cho biết giao dịch dự kiến được thực hiện từ tháng 3/2024 tới hết quý III/2024. Sau khi hoàn tất, Vincom Retail, Sado và SDI sẽ không còn là công ty con của Vingroup.

 

Thương vụ diễn ra trong bối cảnh 2023 là năm Vincom Retail đạt lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Lý giải về động thái này ông Quang cho hay:

“Đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. Và để thực hiện bằng được sứ mệnh này, chúng tôi sẽ dồn toàn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo”.

Tổng giám đốc Vingroup cũng khẳng định những thông tin về việc biến đất vàng do Vincom kiểm soát thành dự án nhà ở là “suy diễn, vô căn cứ và thiếu thực tế”. Theo ông Quang, các trung tâm thương mại đều được xây dựng theo đúng quy hoạch với mục đích sử dụng rõ ràng là đất thương mại dịch vụ. 

“Không ai có thể tùy tiện đập đi xây nhà, phá vỡ quy hoạch của cả khu đất xây trung tâm thương mại lẫn tổng thể dự án. Việc này là hoàn toàn bất khả thi về mặt pháp lý lẫn thực tế”, lãnh đạo Vingroup cho hay.

Về quyền lợi nhà đầu tư, khách hàng sau khi Vingroup thoái vốn, ông Nguyễn Việt Quang nói rằng sẽ không có gì thay đổi gì trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành của Vincom Retail bởi Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail.

Theo đó Vingroup sẽ thay mặt Vincom Retail quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại, quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo các hợp đồng đã ký.

Vincom Retail bắt đầu tiến vào thị trường phát triển bất động sản bán lẻ từ năm 2004 bằng việc khai trương trung tâm thương mại đầu tiên là Vincom Bà Triệu tại Hà Nội.

Dấu mốc của Vincom Retail là từ năm 2013, doanh nghiệp này bắt đầu vận hành hai trung tâm thương mại khổng lồ dưới lòng đất, đó là Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City. Hai tổ hợp này đều được sở hữu bởi Vincom Retail và phát triển trong các đại đô thị của Vinhomes.

 

Hai năm kể từ khi hai tổ hợp tại Royal City và Times City khai trương, Vincom Retail liên tục có những bước nhảy vọt về quy mô. Trong đó, kỷ lục mở mới thuộc về năm 2018 với 20 trung tâm thương mại được mở.

Đến năm 2022, đã có 83 trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom được xây dựng tại Việt Nam. Tổng diện tích sàn lên tới 1,75 triệu m2. Giai đoạn 2024-2026, công ty đặt mục tiêu tổng diện tích mặt sàn đạt khoảng 3-3,7 triệu m2, chủ yếu đến từ đóng góp của Vincom Mega Mall.

Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng số trung tâm thương mại của Vincom Retail đã vượt qua các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á như SM Prime (76 ở Philippines), Central Pattana (34 ở Thái Lan và Malaysia), AEON (12 ở Việt Nam, Campuchia và Indonesia), Pakuwon Jati (10 ở Indonesia), Parkson (41 trung tâm ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia), và Lotte (65 ở Việt Nam và Indonesia).

Đây đều là các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, với sự hậu thuẫn của những tập đoàn lớn.

 

Đức Huy

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.