|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinatex 'phản pháo' một loạt kết luận sai phạm của thanh tra Chính phủ

17:53 | 10/08/2017
Chia sẻ
Vinatex đã có giải trình các kết luận của thanh tra Chính phủ về việc sử dụng 507 tỷ đồng Bộ tài chính cấp cho Tập đoàn, vấn đề góp vốn vào CTCP Phong Phú và việc sai phạm thuế dẫn đến xếp loại doanh nghiệp không đúng. 
vinatex bac bo mot loat ket luan sai pham cua thanh tra chinh phu
Vinatex bác bỏ một loạt kết luận sai phạm của thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa có văn bản giải trình dự thảo các kết luận thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn.

Về kết luận của thanh tra số tiền 507 tỷ đồng được Bộ tài chính cấp nhưng không phản ánh là vốn nhà nước, Vinatex cho biết thực chất đây là khoản tiền thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất 8/3 và Hanosimex Hà Nội, số tiền đã được cấp phát cho các đơn vị để mở L/C nhập máy móc, thiết bị và xây dựng cơ bản, các dự án vẫn đang trong quá trình đầu tư.

Việc di dời nhà máy là chủ trương của Chính phủ, TP Hà Nội do đó Hanosimex và Dệt 8/3 phải dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh, vì khác địa bàn nên phần lớn lao động đang làm việc xin nghỉ và phải tuyển dụng, đào tạo mới.

Đồng thời Công ty cần thời gian khôi phục lại toàn bộ năng lực sản xuất, thị trường và khách hàng. Trong thời gian này các công ty không thể có lợi nhuận để trả cho chi phí vốn.

Vinatex kiến nghị Chính phủ đây là khoản tiền cấp phát cho các dự án thực hiện di dời, ổn định sản xuất cho người lao động khi phải di dời ra khỏi thành phố nên mang tính chất đặc thù khác với cấp phát cho các dự án thông thường khác nên đề nghị chỉ thực hiện tăng vốn nhà nước khi công trình đưa vào sử dụng, tăng tài sản hoặc quyết toán vốn đầu tư.

Thứ hai, về việc Vinatex góp vốn vào Công ty Đầu tư Phong Phú làm dự án Đồng Mai. Dự thảo thanh tra kết luận nêu Vinatex góp vốn đầu tư 22,5 tỷ đồng vào Công ty Phong Phú nhưng không thực hiện bằng hợp đồng kinh tế, việc đầu tư không hiệu quả và để Công ty Phong Phú chiếm dụng vốn.

Phía Vinatex đã có giải trình đây là Công ty cổ phần Phong Phú không phải Tổng công ty cổ phần Phong Phú. Tại thời điểm 2008, chưa có các quy định cấm về việc đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, trong khi đây là một dự án đầu tư có tiềm năng tại thời điểm đầu tư và cả thời điểm hiện nay.

CTCP Đầu tư Phong Phú đã tiến hành nhiều hạng mục đầu tư và dự án vẫn đang thực hiện. Do điều kiện khách quan Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội nên dự án phải chuyển từ khu công nghiệp sang đô thị sinh thái nên dự án bị kéo dài. Đến nay, dự án đã được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch 1/500.

Đến thời điểm hiện tại, CTCP Đầu tư Phong Phú đã cho Vinatex rút vốn đầu tư và khoản lãi tương ứng với các thời điểm góp vốn. Hội đồng quản trị của Vinatex đã chấp thuận và Ban điều hành Vinatex đang tiến hành các thủ tục còn lại để rút vốn.

Do đó, Tập đoàn đề nghị Chính phủ không xem xét trách nhiệm của Vinatex trong khoản đầu tư này.

Việc xếp loại doanh nghiệp đối với Tập đoàn, dự thảo thanh tra nêu Vinatex không báo cáo Bộ Công thương việc bị xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến Bộ Công thương xếp loại doanh nghiệp không đúng quy định và Vinatex trích quỹ khen thưởng phúc lợi trong năm 2013, 2014 vượt quy định, phải bổ sung giá trị vốn nhà nước số tiền 28,2 tỷ đồng.

Tập đoàn đã có giải trình rằng năm 2013, 2014 là thời gian Vinatex vừa tập trung thực hiện tái cơ cấu để chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, vừa duy trì hoạt đông sản xuất kinh doanh trong điều kiện diễn biến thị trường có nhiều tác động bất lợi tới ngành dệt may nhưng Vinatex vẫn đạt được những thành tích trong sản xuất kinh doanh và trong công tác cổ phần hóa.

Doanh thu và lợi nhuận năm 2013, 2014 đều tăng so với kế hoạch; tình hình tài chính lành mạnh, không có nợ quá hạn.Tập đoàn cũng hoàn thành công tác cổ phần hóa theo đúng thời gian quy định.

Việc tuân thủ các quy định về thuế, Tập đoàn cho biết đã tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong năm 2013, 2014 Cục thuế Hà Nội có phạt vi phạm hành chính Vinatex. Bản chất của quyết định xử phạt là do tại thời điểm kiểm tra cơ quan thuế phát hiện có hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn.

Tại thời điểm giao dịch với Vinatex, đơn vị có mã số thuế vẫn được Tổng cục Thống kê công bố tình trạng hoạt động bình thường trên website. Chỉ đến khi cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra mới phát hiện đpn vị bỏ trốn, ngừng hoạt động. Do vậy, Vinatex không thể kiểm soát được việc bỏ trốn, ngừng hoạt động của các đơn vị giao dịch bên ngoài Tập đoàn. Việc xử phạt hành chính trong trường hợp này là sự bất cập trong công tác quản lý thuế nên xét về bản chất khách quan thì Vinatex không vi phạm pháp luật.

Tập đoàn cho biết trên cơ sở những thành quả đạt được của Vinatex và theo tiêu chí xếp loại thì Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã xếp loại Vinatex đạt loại A là phù hợp quy định hiện hành.

vinatex bac bo mot loat ket luan sai pham cua thanh tra chinh phu Vinatex mong Chính phủ thoái hết vốn nhà nước, giảm thuế phí và rà soát lại ngành dệt may

Hiện nhà nước đang nắm giữ 53,49% vốn tại Tập đoàn Dệt may (Vinatex) và Tập đoàn cũng thuộc đối tượng doanh nghiệp mà nhà ...

vinatex bac bo mot loat ket luan sai pham cua thanh tra chinh phu Xin loạt ưu đãi và cơ chế riêng, Vinatex muốn thành tập đoàn tư nhân

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với loạt các đề xuất tháo gỡ khó khăn ...

vinatex bac bo mot loat ket luan sai pham cua thanh tra chinh phu Đề xuất bán hết hơn 2.600 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Tập đoàn Dệt may

6 bộ ngành trung ương vừa được Văn phòng Chính phủ gửi công văn lấy ý kiến về đề xuất của Tập đoàn Dệt may ...

Hoàng Kiều