Vinasun nhận trung bình hơn 17.000 lượt đặt ứng dụng/ngày trong năm 2022, dự kiến đầu tư thêm 700 xe vào năm 2023
Vừa qua, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – Mã: VNS) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến tổ chức vào 8h ngày 25/4.
Kết quả kinh doanh năm 2022
Trong tài liệu công bố, Vinasun đã báo cáo về tình hình hoạt động của công ty trong năm qua. Theo đó, Vinasun đạt tổng doanh thu hơn 1.089 tỷ đồng, tăng 124,7% so với năm trước và đạt 170,58% kế hoạch đề ra cho năm 2022. Công ty cũng lãi hơn 185 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ hơn 277 tỷ đồng.
Trong năm qua, Vinasun tiếp tục hoàn thiện các tính năng của phần mềm đặt xe (Vinasun App) cùng hệ thống tổng đài. Công ty cũng hoàn thiện và triển khai dịch vụ thanh toán online trả trước (VNS Prepaid), dịch vụ thanh toán online trả ngay thông qua việc liên kết với ứng dụng của các ngân hàng và các ví điện tử như MoMo, Payoo,…
Cũng trong năm 2022, công ty mẹ đã đầu tư 550 xe, thanh lý 79 xe, trong khi công ty con (Vinasun Green) đầu tư 109 xe, thanh lý 31 xe. Đến cuối năm 2022, tổng số xe của công ty là 2.620 xe kinh doanh taxi, tăng 26,5% so với đầu năm.
Tính đến ngày 31/12/2022, vốn điều lệ của công ty là 678,59 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số cổ đông của Vinasun tính đến 28/3 là 1.021 người, trong đó có 14 cổ đông nội bộ (hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban điều hành), chiếm 30,16% vốn điều lệ.
Tính tới ngày 31/12/2022, Vinasun có tổng cộng 2.013 nhân sự, trong đó công ty mẹ có 1.523 nhân sự còn công ty con (Vinasun Green) có 490 nhân sự. Năm qua, Vinasun ghi nhận trung bình 16.233 cuộc gọi/ngày, tăng 112% so với năm trước; số lượng đặt ứng dụng bình quân/ngày cũng ghi nhận mức 17.022 lần, tăng 532,5%.
Vinasun cũng thực hiện chiến lược tiết giảm chi phí vận hành và quản lý; đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc, tổ chức lại bộ máy nhân sự; linh hoạt thực hiện chính sách cho người lao động theo quy định đồng thời chủ động đưa ra nhiều phương thức kinh doanh nhằm giúp người lao động, đối tác lựa chọn phương thức phù hợp.
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vinasun đạt mức 1.836 tỷ đồng, tăng 16,85% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Trong đó, tài sản dài hạn là 1.118 tỷ đồng, chiếm 60,9% tổng tài sản, bao gồm các tài sản trọng yếu như 2.620 xe Toyota kinh doanh taxi và hợp đồng, các xe kinh doanh du lịch và văn phòng cũng như các tài sản văn phòng và xưởng sửa chữa khác.
Tổng nợ của Vinasun tính tới ngày 31/12/2022 là 451,66 tỷ đồng, tăng 23,58% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Tổng vống chủ sở hữu của doanh nghiệp là 1.379 tỷ đồng, tăng 14,74% so với ngày 31/12/2021.
Kế hoạch dự kiến năm 2023
Năm nay, Vinasun đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi và phát triển sau đại dịch, dự kiến GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng hơn 6.5%. Dù vậy, vẫn còn một số khó khăn nhất định của các ngành kinh tế trong nước như bất động sản, tài chính, ngân hàng,… cần phải được giải quyết.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới tác động vào nền kinh tế nước ta cũng khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, trong đó có ngành vận tải hành khách, du lịch,… điều này đã được thể hiện qua việc sức mua tiêu dùng trong nước đã có dấu hiệu giảm từ quý IV/2022.
Vì vậy, Vinasun xác định năm 2023 sẽ là năm bản lề trong quá trình hồi phục và phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp dự kiến đặt ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 1.345 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 23,48% so với thực hiện năm 2022.
Trong đó, kế hoạch cho công ty mẹ là 1.213 tỷ đồng và công ty con là 132 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh nghiệp cũng dự kiến đặt ra kế hoạch lãi sau thuế đạt 209,42 tỷ đồng trong năm nay, tăng 12,98% so với thực hiện năm 2022.
Năm 2023, Vinasun cũng dự kiến đầu tư thêm khoảng 700 xe, số lượng xe thanh lý và bán trả chậm cho lái xe để kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền là 450 chiếc, phát triển số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài hoặc công ty tự thuê vận hành là 150 chiếc.
Theo đánh giá của Vinasun, các nhân tố ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận của công ty trong năm nay có thể kể tới như khả năng phục hồi của ngành du lịch vận tải hành khách cùng với các chính sách hỗ trợ người lái xe, sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty nước ngoài trong hoạt động kinh doanh taxi, lạm phát và sức mua của khách hàng, việc linh động điều chỉnh giá cước, tỷ lệ chia doanh thu của các xe tự doanh, xe hợp tác với cá nhân, xe nhượng quyền, cũng như các kế hoạch tiết kiệm và giảm chi phí của doanh nghiệp