VinaCapital: TTCK Việt Nam vẫn có PE tương đối thấp
Trọng tâm của Hội nghị là các thông tin mới nhất về chương trình cổ phần hóa cũng như các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu gọi thêm vốn từ thị trường đại chúng cũng như các thương vụ đầu tư riêng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Don Lam - Tổng Giám đốc tập đoàn nhận định: “Việc Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các công ty đầu ngành, bao gồm thương vụ bán một phần vốn tại Vimamilk mà VinaCapital Corporate Finanace Việt Nam đang tham gia liên danh tư vấn, đang tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có nhiều thuận lợi hơn các nước trong khu vực ASEAN. Dù tăng trưởng GDP có thể chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ năm nay, nhưng sản xuất và xây dựng đạt mức độ tăng trưởng cao nhất nhiều năm.
Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát tốt, nội tệ được điều tiết ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 11 tỉ USD từ đầu năm đến nay. FDI tiếp tục dồi dào, vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 11 tỉ USD (+12.4% cùng kỳ năm ngoái).
Chính phủ quyết liệt thực hiện các biện pháp cải tổ, nâng cao tính minh bạch tại tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khả quan hơn trong năm 2017.
Theo ông Andy Ho, 5 lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Việt Nam trong thời gian tới là: Tiêu dùng bán lẻ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, công nghệ, tiện ích (điện/nước).
Chiến lược đầu tư của tập đoàn này là tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tăng lợi tức; các khoản đầu tư được giám sát chặt chẽ, chủ động tìm kiếm ý tưởng mới.
“Tháng 11/2016 VinaCapital sẽ thành lập VSAF - Quỹ nội địa dành cho nhà đầu tư nước ngoài với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD. Đây là quỹ nội địa thứ 2 trên thị trường sẵn sàng xem xét đầu tư các công ty vốn hóa dưới 50 triệu USD. Mục tiêu đầu tư hướng vào các công ty tại thị trường Upcom – nơi có số lượng các công ty niêm yết đã tăng từ 150 năm 2014 lên 350 vào tháng 9/2016”, ông Andy Ho cho biết.
Chia sẻ tình hình hoạt động của Quỹ VOF, ông Andy Ho cho biết tính đến 30/9, giá trị tài sản ròng (NAV) đạt 850,4 triệu USD, tương đương 4,08 USD/cổ phiếu quỹ (tăng 25.9% từ đầu năm đến nay). Vốn hóa đạt 650 triệu USD. Chiết khấu giá cổ phiếu so với NAV là 23,6%.
Chiến lược của quỹ này là danh mục thị trường vốn chiếm 50% NAV, gồm các khoản đầu tư chọn lọc vào các công ty có nền tảng cơ bản tốt, với giá trị đầu tư không bị giới hạn bởi tỉ trọng của cổ phiếu đó trong VN Index. Đạt hiệu quả đầu tư rất tốt vào các công ty cổ phần hóa và công ty tư nhân.
VOF có 40 khoản đầu tư tư nhân đã thoái vốn hoàn toàn, đạt tỉ suất hoàn vốn nội bộ ròng (bình quân theo giá trị đầu tư) hơn 20%. Khả năng vượt trội trong việc đầu tư một cách chọn lọc vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Quỹ cũng đang giảm dần các khoản đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đã thoái vốn một số tài sản có giá trị lớn.
Quỹ đạt hiệu quả đầu tư khả quan từ việc chọn lọc để nắm giữ cổ phần có giá trị lớn tại các công ty niêm yết, các khoản đầu tư tư nhân và đầu tư tại thị trường OTC (các công ty đã IPO, công ty cổ phần hóa).
Theo VinaCapital, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có PE tương đối thấp so với khu vực, nhưng cách biệt về định giá sẽ thu hẹp khi thị trường phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Tổng giá trị vốn hóa 2 sàn đạt 69,5 tỉ USD với 690 công ty niêm yết. Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường với kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty cổ phần hóa và nới room.
Trong tương lai, VOF tiếp tục thẩm định nhiều cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân. Đội ngũ đầu tư tư nhân giúp mang lại lợi nhuận vượt trội, hơn 20% đối với 40 khoản đầu tư đã thoái vốn hoàn toàn.
Quỹ đang chú trọng các công ty tư nhân thuộc ngành tiêu dùng và cơ sở hạ tầng để tiếp cận nhiều hơn đến giai tầng trung lưu đang mở rộng tại Việt Nam cũng như kế hoạch của Chính phủ sẽ chi tiêu 2,5 tỉ USD/năm trong 5 năm tới.
“Danh mục đầu tư tư nhân hiện chiếm 12% NAV của VOF, dự kiến tăng lên 20% trong 1-2 năm tới. Chúng tôi đang xem xét hơn 10 thương vụ có tổng giá trị hơn 100 triệu USD.”, ông Andy Ho cho biết.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc điều hành Quỹ VVF, với NAV đạt 76 triệu USD, hiện đây là quỹ UCITS lớn nhất đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam. Tính đến 30/9, 36% giá trị tài sản quản lý đến từ gây quỹ.
Đây là quỹ đầu tư dạng mở dài hạn với danh mục đầu tư đa dạng, được thiết kế riêng cho các nhà đầu tư mong muốn thu lợi nhuận từ tiềm năng tăng trưởng của thị trường cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 9/2016, giá trị NAV trên cổ phiếu class A của VVF đã tăng 28,3% từ khi thành lập, trội hơn 23,3% so với chỉ số tham chiếu VN Index (tính theo USD), 7,8% cao hơn các đối thủ cạnh tranh và cao hơn 43% so với các quỹ ET.