|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Dịch COVID-19 bùng phát làm biến động thị trường nhưng yếu tố hỗ trợ tích cực vẫn còn nguyên

17:05 | 13/07/2021
Chia sẻ
Theo phân tích từ chuyên gia của VinaCapital, những yếu tố hỗ trợ tích cực thị trường như chiến dịch tiêm chủng quyết liệt, kinh tế phục hồi nhanh, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết cao.

Trong báo cáo mới đây, VinaCapital đã đưa ra đánh giá về thị trường chứng khoán giai đoạn hiện tại và tác động của đại dịch COVID-19. 

Theo công ty quản lý quỹ này, đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua đã gây những ảnh hưởng rõ ràng đến nền kinh tế và có thể làm thị trường chứng khoán biến động, nhất là sau khi VN-Index liên tục phá vỡ các mức đỉnh lịch sử. 

Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản hỗ trợ tích cực cho thị trường vẫn còn nguyên như chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai quyết liệt ở Việt Nam và trên toàn thế giới; kinh tế sẽ phục hồi nhanh khi quy định về giãn cách xã hội được nói lỏng; tăng trưởng lợi nhuận cao của các công ty niêm yết (ước tính 30% trong năm 2021).

Dựa trên ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, VinaCapital đưa định giá hợp lý với P/E của VN-Index năm 2021 là 16,9 lần, tăng 9% song vẫn thấp hơn trung bình các nước ASEAN. Định giá này đưa ra trong môi trường lãi suất thấp và ít rủi ro về biến động tỷ giá và lạm phát.

Riêng với nhóm ngân hàng, VinaCapital cho rằng hầu hết các ngân hàng cũng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II, mặc dù có vài ngân hàng như ngân hàng thương mại nhà nước có thể giảm bớt lãi vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, khối ngân hàng vẫn dẫn đầu thị trường về tăng trưởng lợi nhuận năm 2021.

Về bức tranh vĩ mô, VinaCapital đánh giá trong quý II và tháng 6 đan xen cả những điểm sáng và điểm tối do số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh và quy định về giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. 

GDP quý II/2021 tăng 6,6% so với cùng kỳ, một phần nhờ vào nền so sánh thấp năm ngoái, khi GDP quý II/2020 chỉ tăng 0,4%. Trong số liệu của riêng tháng 6, sản xuất công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và 0,5% so với tháng trước, chậm hơn so với số tương ứng của tháng 5 là 11,8% và 1,6%. 

Tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 6 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với tháng trước. 

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị bán lẻ sau khi loại trừ yếu tố lạm phát vẫn tăng được 4,9% so với cùng kỳ, cũng do nền so sánh thấp của năm ngoái (6 tháng đầu 2020: giảm 5,8%). Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống 44,1 trong tháng 6 từ 53,1 trong tháng 5. Mức dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang bị suy giảm.

Lợi Hoàng