Vinacafé Biên Hòa xâm phạm nhãn hiệu café PHINN?
Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, sáng lập ra nhãn hiệu café PHINN với hình thức xe pha chế cà phê đa năng và giao hàng tận nơi cho khách hàng từ năm 2013.
Xe bán café PHINN - gu cà phê Việt của anh Nghĩa. |
Trao đổi với chúng tôi, anh Nghĩa cho biết, nhãn hiệu café PHINN - gu cà phê Việt được anh nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ vào ngày 25/3/2013. Mãi đến ngày 29/5/2017, tức hơn 4 năm, anh mới được cấp Giấy chứng nhận cho nhãn hiệu café PHINN của mình.
Anh chia sẻ sáng lập ra nhãn hiệu café PHINNvới hình thức xe cà phê giao hàng tận nơi cho khách hàng và sử dụng phương thức mua sản phẩm theo mã số. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay tồn tại sản phẩm cà phê hòa tan nhãn hiệu PHINN uống liền của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa thuộc Tập đoàn Masan.
nhãn hiệu PHINN uống liền của Công ty Vinacafé Biên Hòa bị "tố" xâm phạm nhãn hiệu. |
Anh Nghĩa chuẩn bị những giấy tờ liên quan đến nhãn hiệu của mình.
Theo kết quả ngày 18/9/2017 của Viện khoa học Sở hữu Trí tuệ Việt Nam công bố kết luận giám định: “Dấu hiệu café PHINN và hình gắn trên hộp và gói sản phẩm cà phê đen hòa tan của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên hòa 1, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 282200 của Phạm Lê Tuấn Nghĩa”.
Anh cho biết nhãn hiệu PHINN của Vinacafé Biên Hòa có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà anh đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận quyền đăng ký nhãn hiệu số 282200 cấp vào ngày 29/5/2017 như đề cập ở trên. Theo anh Nghĩa, trong phạm vi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình, anh được độc quyền sử dụng, cấp phép sử dụng hoặc ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu này.
Anh Nghĩa cũng cho hay, nhiều lần đã gửi thư khuyến cáo nhưng phía Vinacafé Biên Hòa vẫn phớt lờ và tìm cách trì hoãn, kéo dài việc đăng ký nhãn hiệu café PHINN của anh.
Được biết, Vinacafé Biên Hòa đã từng gửi đơn đăng ký nhãn hiệu café PHINN uống liền lên Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam vào ngày 26/4/2013, tức sau 1 tháng so với đơn xin cấp của anh. Ngoài ra, Vinacafé Biên Hòa còn gửi đơn đăng ký nhãn hiệu PHINN vào ngày 5/4/2013 nhưng cả 2 nhãn hiệu đăng ký này đều bị Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam từ chối.
Nhãn hiệu café PHINN uống liền và PHINN của Vinacafé Biên Hòa bị cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam từ chối cấp Văn bằng bảo hộ. |
Trước đó, vào năm 2004 và 2005 Vinacafé Biên Hòa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu PHIL dành cho sản phẩm cà phê đã chế biến.
Nhãn hiệu cà phê đã chế biến PHIL của Vinacafé Biên Hòa được cấp Văn bằng bảo hộ vào năm 2004 và 2005. |
Tại Việt Nam, việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và được cấp chứng nhận là yếu tố quyết định. Dù sử dụng trước nhưng nếu không đăng ký nhãn hiệu thì sẽ bị mất quyền sử dụng nhãn hiệu đó.
Như vậy, Vinacafé Biên Hòa không thể sử dụng nhãn hiệu cà phê PHINN mà anh Nghĩa đã đăng ký trước và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, Vinacafé Biên Hòa vẫn lưu hành trên thị trường sản phẩm cà phê đen hòa tan có đường - café PHINN uống liền từ nhiều năm nay.
Sản phẩm café PHINN uống liền được bày bán ở một siêu thị lớn tại TPHCM. (Ảnh: TN). |
Hồi năm 2013, Vinacafe Biên Hòa từng bị Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chỉ ra nội dung trong một clip quảng cáo được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam với lời dẫn "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam" là hoàn toàn sai sự thật.
Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ), quy định chỉ dẫn địa lý được quy định trong pháp luật Việt Nam là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể, khoa học.
Khi được bảo hộ thì chỉ những người trong khu vực đó mới được mang tên bảo hộ. Những người ngoài khu vực không được phép gắn tên bảo hộ cho sản phẩm của mình.
Nếu người ngoài khu vực mà sử dụng tên này là vi phạm pháp luật và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Những người trong khu vực được bảo hộ mà chưa được phép sử dụng thì cũng không được sử dụng.
Ông Thanh cho biết, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn.