|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viettel vẫn lo gặp khó về tỷ giá

09:49 | 03/10/2016
Chia sẻ
Hoạt động đầu tư của Viettel ở thị trường châu Phi vẫn gặp nhiều khó khăn do những biến động từ tỷ giá. 

Ông Lê Đăng Dũng - Phó tổng giám đốc phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, biến động về tỷ giá ở nhiều quốc gia vẫn đang tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Đặc biệt ở một số quốc gia ở thị trường châu Phi như Mozambique khi từ đầu năm đến nay, tỷ giá tại đây tiếp tục giảm khoảng 50%.

"Trước đây phương thức đầu tư của Viettel là không đóng vốn điều lệ ngay khi mới hoạt động. Bởi nếu làm như vậy thì đối tác sẽ chỉ trả tiền bằng cổ tức và khi đó sẽ có 2 vấn đề. Thứ nhất là phải có lãi mới được nhận cổ tức và thứ hai là khi rút khoản tiền cổ tức tiền về nước thì lại phải chịu một khoản thuế", ông Dũng lý giải.

viettel van lo gap kho ve ty gia

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ tại các thị trường châu Phi, hoạt động đầu tư của Viettel vẫn đang chịu nhiềubiến động về tỷ giá. Ảnh: Viettel

Theo đó, ông cho biết, Viettel cũng như nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thường đóng khoản vốn điều lệ thấp, số tiền còn lại là đầu tư vào dưới hình thức cho đối tác hoặc liên doanh vay. Khi đó, đối tác sẽ trả bằng chi phí sản xuất kinh doanh mang khấu hao và không phải chịu thuế gửi tiền về nước. Theo ông Dũng với cách làm này mà ở các thị trường xảy ra chuyện mất giá thì doanh nghiệp dễ phải gánh lỗ.

"Tuy nhiên, thực chất là con số đó chỉ là sổ sách bởi khi đồng tiền bị mất giá thì Viettel sẽ tính đến phương án không mua USD để mang về nữa. Còn nếu cứ đánh giá dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và tính bằng nội tệ thì vẫn lãi, thậm chí tăng trưởng đang rất tốt, chỉ khi đổi USD mang về mới thành lỗ", ông Dũng lý giải.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, đơn vị này đang tiến hành phương thức hàng đổi hàng. "Chúng tôi làm việc với những công ty xuất nhập khẩu ở quốc gia đó, những đối tác này cũng cần tiền nội tệ để mua hàng bán sang nước khác và yêu cầu họ trả Viettel bằng USD", ông Dũng nói.

Bên cạnh lý do tỷ giá, theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel, thị trường châu Phi năm nay có thể vẫn không có lãi nhiều do một số công ty mới đi vào hoạt động có thể vẫn phải bù chi phí đầu tư.

Năm 2015, doanh thu tại thị trường châu Phi của Viettel đạt gần 4.900 tỷ đồng (tăng hơn 25% so với 2014) sau khi khai trương 3 thị trường lớn tại châu lục này gồm Cameroon, Burundi và Tanzania. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động và chịu biến động từ tỷ giá làm phát sinh chi phí nên kết quả chung của Viettel Global bị ảnh hưởng. Ông Dũng cho biết, thông thường ở những thị trường mới, doanh nghiệp sẽ bắt đầu có lãi sau khoảng 2 năm.

Kết thúc quý II, doanh thu từ các thị trường nước ngoài của Viettel đạt 493,8 triệu USD, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn bộ thị trường châu Phi ghi nhận doanh thu đạt mức tăng trưởng dương, thuê bao tăng 21%.

Tính đến giữa tháng 9, tại 9 thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania), tổng số khách hàng của Viettel đã đạt 26 triệu, nâng số lượng khách hàng của nhà mạng này trên toàn cầu (bao gồm Việt Nam) lên 90 triệu người. Nhờ đó, Tập đoàn này nằm trong số 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng cao nhất, theo thống kê của GSMA Intelligence. Con số thuê bao này tăng khá mạnh so với 10 triệu khách hàng theo công bố hồi cuối năm 2013 của Tập đoàn này.

Theo Ngọc Tuyên

Vnexpress

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.